Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk được giao tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản hơn 6.196 tỷ đồng (kế hoạch chưa điều chỉnh). Trong đó, phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc ngân sách tỉnh Đắk Lắk quản lý để thực hiện dự án gần 4.256 tỷ đồng; ngân sách huyện thực hiện các dự án hơn 1.351 tỷ đồng.
Chỉ đạo sát sao
Để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, những tháng qua, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn, đồng thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2024.
Trong đó, khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đất để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình; đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tham mưu về công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, các nội dung liên quan đến mỏ vật liệu, khoáng sản, bãi đổ thải phục vụ cho công trình, dự án; xem xét, điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ.
UBND tỉnh Đắk Lắk quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 |
Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư cần kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tích cực thực hiện những thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đối với công trình, dự án đã hoàn thành; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chào mừng Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; tập trung giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ và đúng mục tiêu của các dự án; thực hiện các giải pháp quyết liệt để thu tiền sử dụng đất.
“Các đơn vị được giao kế hoạch thu tiền sử dụng đất phải khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án có thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình đã có trong kế hoạch năm 2024”, ông Nghị nhấn mạnh.
Song song với đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Lắk còn chỉ đạo các đơn vị xem xét, điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 11/11/2024, toàn tỉnh Đắk Lắk giải ngân khoảng 2.575 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện các dự án.
Cụ thể, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 ngân sách tỉnh Đắk Lắk quản lý để thực hiện dự án hơn 3.969 tỷ đồng (số sau khi đã điều chỉnh). Đến nay, Đắk Lắk giao chi tiết đến từng dự án đạt 100% kế hoạch và giải ngân được 2.575, đạt tỷ lệ 64,8% kế hoạch, cao hơn 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được kết quả cao nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tăng cường thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2024.
Song song với công tác chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Lắk còn chỉ đạo các đơn vị xem xét, điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao…
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn tốc tiến độ thực hiện các dự án. Đặc biệt là các dự án trọng điểm, có số vốn lớn; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Giải ngân vốn chương trình mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng
Mặc dù đạt tỷ lệ cao trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, song tại khu vực giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra. Đến nay Đắk Lắk đã xây dựng và ban hành đủ 17/17 nội dung để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; xây dựng nông thôn mới (NTM) theo quy định. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thế nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các chương trình này vẫn còn thấp. Cụ thể, tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến năm 2024 hơn 5.287 tỷ đồng.
Luỹ kế từ năm 2021 đến hết ngày 21/10/2024, các đơn vị, chủ đầu tư giải ngân được hơn 3.268 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 61,8 %. Trong 10 tháng năm 2024, các đơn vị, chủ đầu tư mới giải ngân được hơn 886,8/2.866 tỷ đồng (bằng 30,94% tổng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024).
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương tập trung giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, không chỉ tập trung giải ngân công trình, dự án đường giao thông |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thấp do nhiều nguyên nhân. Ví như, đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, do lực lượng cán bộ cơ sở thường xuyên biến động và hầu hết kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ tham mưu thực hiện chương trình này.
Hay như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững gặp khó khăn do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương chưa quyết liệt. Việc ban hành các nghị quyết quy định mức hỗ trợ còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ…
Cùng với đó, việc triển khai và giải ngân vốn chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất do tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao. Quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế…
Để giải quyết thực trạng trên, ông Nghị cho rằng, cần có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, không chỉ tập trung giải ngân công trình, dự án đường giao thông như một số địa phương đang làm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dak-lak-khan-truong-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-157839.html