Đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 10/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” năm 2023, Ban Dân tộc Đắk Lắk đã phối hợp với các địa phương (Krông Pắc, Ea Kar, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, M’Drắk) tổ chức 10 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới trong năm qua.
Các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới dành cho các đối tượng là cán bộ làm công tác Dân tộc, Lao động, Thương binh và Xã hội, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện và xã; già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong cộng đồng; đại diện chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Ban công tác mặt trận thôn, buôn; giáo viên, học sinh các trường THCS dân tộc nội trú và người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại các Hội nghị, các đại biểu được lắng nghe, trao đổi nhiều chuyên đề với các nội dung: “Bản chất, vai trò của giới tính; thực trạng, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiệm vụ và giải pháp” (dành cho lớp tại UBND xã); “Chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thực trạng bạo lực giới và bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ và giải pháp” (dành cho lớp tại UBND huyện) và 01 chuyên đề chung phổ biến tại xã và huyện, “Những nội dung cơ bản về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; trọng tâm Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”….
Thông qua các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã được tiếp cận với các chuyên đề “Bản chất, vai trò của giới tính; thực trạng, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiệm vụ và giải pháp”, “Chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thực trạng bạo lực giới và bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ và giải pháp”, “Những nội dung cơ bản về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; trọng tâm Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Từ đó kịp thời nắm bắt những nội dung cơ bản về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.
Trong khi đó, tại các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho học sinh các trường THCS dân tộc nội trú, các báo cáo viên y tế đã truyền tải chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh Trung học cơ sở” để cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý khi dậy thì; cách chăm sóc, vệ sinh cơ thể, đặc biệt là các học sinh nữ; hướng dẫn các em phân biệt tình bạn và tình yêu; cách phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; một số kỹ năng cần có để phòng tránh bị xâm hại tình dục.
Tại những buổi tuyên truyền này, các em học sinh còn tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến sức khỏe, giới tính, tâm sinh lý tuổi dậy thì, qua đó hiểu được giá trị của bản thân và những lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng cách.
Các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động, từng bước thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới từ cấp cơ sở, thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ nói chung và phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.
Hải Anh