Hội Thanh niên lập thân, lập nghiệp, thôn Ea Snô là một trong những mô hình được Đảng ủy xã Đắk D’rô chọn để nhân rộng về ý thức tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế cho người dân.
Theo anh Trần Gia Chiến, Hội trưởng Hội Thanh niên lập thân, lập nghiệp, vào năm 2004, khi Đắk Nông mới được tái lập, các anh gồm 8 người ở nhiều vùng quê khác nhau vào thôn Ea Snô để lập nghiệp. Để giúp nhau trong cuộc sống, các anh đã thành lập Hội Thanh niên lập thân, lập nghiệp. Đến nay, Hội đã có 16 hộ tham gia. Sau gần 20 năm, các thành viên trong Hội tuy không còn trẻ nữa, nhưng tên hội vẫn như vậy để nhắc nhở nhau về một thời tuổi trẻ đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên.
Các thành viên thống nhất đóng quỹ hằng năm để có nguồn vốn, tạo điều kiện cho hộ khó khăn vay. Đến nay, nguồn vốn được trên 100 triệu đồng, hằng năm cho 2-3 hộ vay đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Với đức tính chịu khó, chăm chỉ lao động, 16 hộ thành viên đều có cuộc sống khá giả, không còn hộ nghèo. Anh Chiến cho biết: “Vào Hội, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau những mô hình hay, hiệu quả để học tập, nhân rộng. Tinh thần đoàn kết, giúp nhau chính là chìa khóa để các thành viên luôn nâng cao chất lượng phát triển kinh tế qua từng năm”.
Cũng theo anh Chiến, là người đảng viên, anh hiểu học và làm theo Bác chính là không để cái nghèo đeo bám mà phải có chí tiến thủ, mỗi ngày đều không được bằng lòng với những gì mình có mà phải nỗ lực vươn lên ngày càng phát triển hơn.
Còn anh Mai Văn Huy, thành viên của Hội cũng xuất phát điểm với hai bàn tay trắng, nhưng đã từng bước vươn lên bằng tinh thần ham học hỏi, hăng say lao động, sản xuất. Hiện tại, gia đình anh Huy có khoảng 4 ha đất trồng tiêu, cà phê. Anh cũng chăn nuôi thêm dê, heo rừng để nâng cao thu nhập.
Anh Huy cho biết: “Cũng nhờ có sự liên kết, giúp đỡ nhau của anh em nên chưa lúc nào bản thân cảm thấy nản trong lao động, hay tự bằng lòng với thực tế. Lúc nào, tôi cũng thấy mình cần phải làm tốt hơn, thay đổi tư duy trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng để tăng nguồn thu cho gia đình”.
Tương tự, anh Lê Văn Thới, thành viên hội chia sẻ: “Làm gì thì làm cũng phải cần, kiệm, biết chi tiêu đúng cách, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình thì kinh tế mới bảo đảm. Tôi làm 10 đồng thì sẽ chi tiêu hợp lí, còn lại dành dụm phòng lúc ốm đau, bệnh tật hay sản xuất, chăn nuôi bấp bênh còn có vốn tái đầu tư”, anh Thới cho biết.
Theo đồng chí Lê Thị Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk D’rô, triển khai Kết luận số 01, bên cạnh công tác tuyên truyền các chuyên đề theo từng năm tới toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, Đảng ủy xã còn chú trọng xây dựng gương điển hình tiên tiến trong học và làm theo Bác.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy, hàng năm, các chi bộ trực thuộc đều đăng ký 1 đến 2 mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua 3 năm triển khai, toàn xã xây dựng được 8 mô hình tập thể, 15 mô hình cá nhân.
Bên cạnh mô hình phát triển kinh tế để nhân rộng, chúng tôi còn chú trọng đến các gương điển hình trong công tác xã hội, gương cá nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ, có đạo để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn dân”
Đồng chí Lê Thị Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk D’rô (Krông Nô)