(CLO) Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, một “đại triển lãm” với các hoạt động cộng đồng.
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, “Giao lộ Sáng tạo” được thiết kế đi qua các công trình di sản lịch sử và văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội nằm ở 36-38 Lý Thái Tổ được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội, hình thành một tổ hợp tập trung nhiều hoạt động sáng tạo.
Từ ý tưởng chính “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”, tại đây sẽ hình thành một đại triển lãm. Trong 9 ngày diễn ra Lễ hội, Cung Thiếu nhi diễn ra một chuỗi chương trình triển lãm, chiếu phim, biểu diễn sân khấu, sân chơi, sắp đặt kiến trúc; kết hợp với các sự kiện vệ tinh bao gồm workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm và các hoạt động cộng đồng.
Chuỗi các hoạt động có sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà làm phim, nhà nghiên cứu văn hóa – nghệ thuật… Nhóm giám tuyển đã lựa chọn các tác phẩm có sự phản hồi, tương tác đồng điệu với bối cảnh, và cả các sáng tác có tính đối thoại với từng không gian và ký ức của Cung Thiếu nhi; qua đó tiếp nối những đối thoại và tự sự liên thế hệ, để gợi mở những nhìn nhận quá khứ và những viễn kiến cho tương lai.
Năm 1974, KTS Lê Văn Lân thiết kế Cung Thiếu nhi Hà Nội quy mô 6 tầng với diện tích hơn 10000 m2, gồm 100 phòng học. Công trình xứng đáng là một “di sản kiến trúc hiện đại” không chỉ có vì giá trị về lịch sử, kiến trúc mà còn mang dấu ấn lịch sử của một thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn.
Khác với không gian triển lãm ở những phiên bản trước của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, vốn được cải tạo từ các khu vực chức năng không còn được sử dụng, “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” được thực hiện trong sự vận động của một di sản “sống”, nơi không gian tự thân trở thành một chất liệu và cộng sự nghệ thuật.
Hoài niệm của Cung Thiếu nhi cũng chính là ký ức của rất nhiều người. Nhìn ngắm, lắng nghe và trải nghiệm triển lãm chính là chạm vào di sản vô hình, giúp khơi gợi ở người tham gia các suy nghĩ thấu đáo hơn về ký ức và liên hệ đến tương lai.
Việc các không gian trưng bày, tổ chức chương trình len lỏi khắp các khu vực, nỗ lực kết nối cộng đồng thực hành nghệ thuật, cũng như phủ lên đường nét kiến trúc của công trình một diện mạo mới, Cung Thiếu nhi Hà Nội tiếp tục kiến tạo những ký ức văn hoá, đặt tiền đề cho những suy tư về cách ta có thể sống cùng với di sản.
Theo Ban tổ chức, thông qua thí điểm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, có thể đề xuất mô hình hoạt động của Cung Thiếu nhi trở thành Cung Nghệ thuật và Sáng tạo tại trung tâm Hà Nội.
Hiện nay, Cung Thiếu nhi mới đã chuyển địa điểm xuống quận Nam Từ Liêm, vì vậy, không gian, hạ tầng khu vực cũ vừa giàu tính lịch sử, nhiều tiện ích và đặc biệt có tính kế thừa, rất phù hợp để có thể chuyển thành không gian cho hoạt động sáng tạo.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/se-dien-ra-dai-trien-lam-tai-cung-thieu-nhi-ha-noi-post318318.html