Điểm cuối của cuộc trường chinh
Bằng chất giọng trầm ấm, đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt kể lại những giờ phút sinh tử nhưng rất đỗi hào hùng mà ông vẫn nhớ rõ, dù đã cách đây gần 50 năm rồi…
Ngày ấy, ông Nguyệt là chiến sĩ lái xe tăng 380, thuộc biên chế Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203. Đơn vị được giao nhiệm vụ là mũi tiến công đi đầu của Binh đoàn thọc sâu thuộc Quân đoàn 2. Tất cả đều tổ chức rất gọn nhẹ, đi trên phương tiện cơ giới để khi có thời cơ là “xộc thẳng” vào Sài Gòn.
Nhưng thật “đen đủi”, trong lần tăng cường cho trận đánh tại căn cứ Nước Trong, sáng ngày 28/4, xe tăng 380 bị trúng đạn, thủng tháp pháo, khẩu 12 ly 7 bị hất tung đi, một mảnh vỡ chụp xuống làm hỏng khẩu súng máy. Đặc biệt 2 thành viên của kíp xe là pháo 2 Nguyễn Kim Duyệt và trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương nặng, chỉ còn Nguyễn Khắc Nguyệt và pháo thủ Trương Đức Thọ còn lành lặn.
Khi về để chuẩn bị chiến đấu buổi chiều thì có tin anh Duyệt đã hy sinh, anh Luông vẫn phải tiếp tục điều trị. Kiểm tra xe, ngoài 2 khẩu súng đã bị hỏng thì tháp pháo cũng bị kẹt, không quay được. Mặc dù ngay hôm đó, các anh đã gõ nắn để khẩu pháo K53 hoạt động trở lại, nhưng kíp xe chỉ còn 2 người nên việc cơ động chiến đấu rất khó khăn. Thế là sau ngày 28/4, xe 380 bị đẩy xuống đội 2, hành quân cách xe đi đầu vài trăm mét.
“Mặc dù chỉ còn 2 người nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi theo đội hình. Tôi bảo Thọ: Mày cứ nạp quả đạn xuyên vào đây, coi như viên đạn sinh tử, gặp xe tăng địch thì mới bắn, còn lại cứ để hết cho tao” – đại tá Nguyệt kể lại.
Hơn 5 giờ sáng ngày 30/4, các lực lượng của ta đã vượt qua “hàng rào lửa” trên cầu Đồng Nai để tiến vào xa lộ Biên Hòa. Đến khu vực cổng trường Võ bị Thủ Đức, gặp một mũi phòng thủ của địch, nhưng lệnh của Lữ đoàn trưởng yêu cầu bỏ qua để tiến thẳng về Sài Gòn. Trên đường, quân ta gặp một số điểm địch nổ súng chống trả khá yếu ớt. Đến đầu cầu Sài Gòn thì xảy ra trận đánh căng thẳng nhất. Địch lợi dụng địa hình địa vật, chống trả quyết liệt, khiến ta bị cháy mất mấy xe. Tuy nhiên, khi bị quân giải phóng bắn cháy hai xe tăng, địch đã bỏ chạy.
“Vượt qua cầu Sài Gòn, xe tăng của ta tiến vào nội đô, đi đầu là xe 866. Đến cầu Thị Nghè, chỉ còn cách Dinh Độc Lập hơn cây số, lại gặp một chốt phòng ngự. Xe 866 bị đạn M41 của địch bắn trúng tháp pháo, hai chiến sĩ hy sinh. Các xe 843, 390 phía sau vượt lên, đến cổng Dinh Độc Lập trước. Và câu chuyện sau đó như chúng ta đã biết” – đại tá Nguyệt hồi tưởng.
Theo đại tá Nguyệt, hai xe 843, 390 cùng nhau vượt qua cầu Sài Gòn nhưng hai xe chạy hai đường khác nhau. Xe 843 chạy từ Thảo Cầm Viên về Dinh Độc Lập, còn xe 390 chạy theo đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh).
“Hồi đó ai biết gì về thành phố đâu. Chúng tôi chỉ được hướng dẫn trước là “qua cầu Thị Nghè, chạy đến ngã tư thứ bảy rẽ trái”, tất cả phải học thuộc lòng” – ông Nguyệt nói.
Tiếp sau hai xe 843, 390 thì một loạt xe khác, trong đó có cả xe 380 cũng vào đến sân của Dinh Độc Lập. Nhưng quy tắc người lái xe không được rời xe trong bất kỳ hoàn cảnh nào nên chàng lính trẻ không dám vào Dinh.
“Chúng tôi đứng ngoài sân ôm nhau nhảy tưng tưng trong niềm hạnh phúc, tự hào tột cùng. 30 năm chiến tranh để có được giờ phút này mà mình lại có mặt ở đây, niềm sung sướng tự hào không thể kể hết được. Nhưng vài phút sau, khi trở lại trong xe ngồi thì một cảm giác khác xâm chiếm lòng mình. Lúc này tôi mới để ý mùi máu trong khoang máy xộc lên thật kinh khủng. Trận đánh từ hôm 28/4, những vết máu vẫn còn bê bết mà tôi chưa có thời gian lau dọn…
Tôi bỗng rưng rưng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Các anh đã đổ máu, ngã xuống mà không được có mặt trong ngày vui như thế này. Tôi thoáng nghĩ rằng, cuộc kháng chiến thực sự là một cuộc trường chinh rất dài mà con đường đến Dinh Độc Lập là cây số cuối cùng. Với tâm trạng đó, tôi lấy sổ ghi vội mấy ý thơ:
Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập.
Ta ngỡ ngàng – đây thật hay mơ?
Cây số cuối cùng – cuộc trường chinh dằng dặc.
Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng rưng nhòa”.
Lính tăng kể về mình
Kể về con đường đến với văn chương, giọng đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt chùng hẳn xuống: “Tôi và nhiều anh em cựu chiến binh trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt như thế, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Nay mình được sống trở về tức là nhờ có sự hy sinh của rất nhiều đồng đội, họ đã chết để mình được sống. Vì thế, tâm trạng của chúng tôi ngoài sự thương tiếc còn luôn cảm thấy có một món nợ đeo đẳng. Để trả món nợ ấy, không có cách nào tốt hơn là viết về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của đồng đội tôi, để cho hậu thế biết và không quên được họ”.
Tuy nhiên, suốt những năm còn tại ngũ, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt công tác ở một vị trí khá bận rộn cho nên thỉnh thoảng ông mới viết một bài báo về đồng đội. Chỉ đến khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian hơn. Cuốn sách đầu tay của ông kể về Đại đội 4 xe tăng với lời văn thô ráp, trần trụi, mộc mạc đã được NXB Quân đội Nhân dân phát hành năm 2008. Đến năm 2016, NXB Trẻ tái bản, bổ sung với tựa đề “Bút ký lính tăng – Hành trình đến Dinh Độc Lập”. Mới đây, để chuẩn bị cho 50 năm giải phóng miền Nam, NXB Trẻ lại tiếp tục ký hợp đồng tái bản lần thứ hai đối với tác phẩm này.
Mặc dù đến với văn chương khá muộn nhưng với sức viết khoẻ, từ khi về hưu đến nay, hầu như năm nào đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cũng có một tác phẩm mới “trình làng”. Đến nay, ông đã có 14 đầu sách, trong đó một bộ tiểu thuyết sử thi 4 tập “Bão Thép”, gần chục tập truyện ký… Trong năm nay, ông tiếp tục ra mắt tiểu thuyết “Chỉ tình yêu gửi lại” viết về người đồng đội Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 – người đã hy sinh trên cầu Sài Gòn, trước thời điểm toàn thắng chỉ một giờ đồng hồ.
“Tôi sẽ dành những năm tháng còn lại của đời mình để trả món nợ tinh thần trước các đồng đội đã hy sinh vì nước, trước hết là những đồng đội trong chính tập thể nhỏ bé, thân thương của mình – Đại đội Xe tăng 4. Những tác phẩm của tôi như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường” – đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ.
T.Toàn