Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44, thăm chính thức Indonesia (từ ngày 4 đến 8-8), Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông đã chia sẻ về những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam-Indonesia và đóng góp của Việt Nam cho AIPA.
Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam-Indonesia trong các lĩnh vực chủ chốt
Phóng viên (PV): Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Indonesia lần này?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Chuyến thăm chính thức Indonesia lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa hai nước, hai dân tộc nói chung, cũng như đẩy mạnh hợp tác nghị viện nói riêng.
Trong những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia đã phát triển rất mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục có các chuyến thăm, gặp gỡ lẫn nhau và luôn cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực. Về mặt kinh tế, hai nước đang phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD trong năm nay…
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông. |
PV: 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia đã giúp hai nước gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Làm thế nào để thúc đẩy quan hệ này đi vào chiều sâu hơn nữa trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Các chương trình hành động được ký kết đã đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đang sớm hoàn tất chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 để ký kết trong thời gian sớm nhất.
Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật là những nền tảng quan trọng để triển khai các nội dung hợp tác cụ thể.
Trên đà phát triển tích cực đó, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt để quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Hai nước cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; tiếp tục thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác hiện có.
Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục phát huy truyền thống phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các ưu tiên của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, tin tưởng dưới sự dẫn dắt của Indonesia, ASEAN sẽ phát huy đầy đủ các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự, hướng tới vai trò rộng lớn hơn trong cấu trúc khu vực Ấn Độ dương-Thái Bình dương.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên cần tập trung thúc đẩy các giải pháp tăng trưởng thương mại song phương, hướng tới các mục tiêu mới cao hơn cho thương mại hai chiều. Trong ASEAN, Indonesia là thị trường lớn nhất với hơn 285 triệu người tiêu dùng, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 với 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Các bộ, ngành hai nước cần nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trong đó có việc phát triển thương mại cân bằng, tích cực tranh thủ tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới.
Về văn hóa – giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần tăng cường kết nối và giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động trao đổi đoàn nghệ thuật, các hội đoàn quần chúng, địa phương. Hai bên cần tăng số lượng học bổng cho học sinh nước này tới học tập, tu nghiệp tại nước kia. Trong thời gian tới, Indonesia có thể trở thành một trong những điểm đến được lựa chọn của sinh viên Việt Nam tại Đông Nam Á.
Tiềm năng du lịch của mỗi nước cũng cần được khai thác mạnh mẽ hơn, hợp tác bổ sung cho nhau thông qua các sản phẩm liên kết du lịch, quảng bá, tăng cường hiểu biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa của nhau. Cùng với đó, hai bên cần tăng tần suất và xem xét mở thêm các đường bay mới kết nối các điểm đến du lịch giữa hai nước.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác biển Việt Nam-Indonesia?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trên biển, nghề cá. Lãnh đạo hai nước cũng cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác biển như một trong những lĩnh vực tiềm năng, đóng góp vào hợp tác kinh tế song phương ngày càng sâu rộng. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Nghề cá của Indonesia đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam để cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên lĩnh vực này.
Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cơ quan an ninh biển Indonesia (12-2021), góp phần củng cố an ninh ở khu vực biên giới chung trên biển giữa hai nước.
Việt Nam đóng góp những biện pháp nghị viện hiệu quả
PV: Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự AIPA-44 cũng như những đóng góp của Việt Nam?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện vai trò rất tích cực, chủ động và đã có nhiều đóng góp ở trong các hoạt động của AIPA nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nghị viện các nước thành viên ASEAN.
Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận và định hình kết quả của AIPA-44. Việt Nam đã đề xuất 3 dự thảo nghị quyết nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA. Các đề xuất dự thảo nghị quyết của Việt Nam thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ; và chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào phụ nữ.
Là quốc gia có số lượng nghị sĩ nữ cao nhất trong số các thành viên AIPA, Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy phụ nữ khu vực ASEAN tham gia chính trị nhiều hơn nữa. Ủy ban Nhóm nghị sĩ nữ AIPA (WAIPA) được thành lập từ năm 1998, hiện đang thúc đẩy sáng kiến nâng cao năng lực và khả năng lãnh đạo của phụ nữ thông qua tham gia các hoạt động chính trị của phụ nữ được thực hiện trong năm nay.
Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị AIPACAUCUS lần thứ 14, Quốc hội Việt Nam đã ra mắt Sổ tay thực tiễn về Thúc đẩy việc áp dụng các Hướng dẫn của ASEAN về Đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp để trình tại Đại hội đồng AIPA-44. Bằng cách giải quyết những mối quan tâm cấp bách này, Việt Nam đóng góp vào các mục tiêu chung của AIPA-44 trong việc đưa ra các biện pháp nghị viện hiệu quả để nghị viện của các nước ASEAN phản ứng nhanh hơn.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò và vị thế quốc tế hiện nay của Việt Nam?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Có thể nói rằng, kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và thực hiện chính sách độc lập đối ngoại rộng mở thì Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của hầu hết tất cả các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng trên thế giới.
Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN từ năm 1995. Kể từ đó, Việt Nam luôn có những đóng góp rất tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, từ đó đóng góp hơn nữa vào việc tăng cường hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
CHIẾN THẮNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.