Năm 2023, Việt Nam và Australia tưng bừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26-2-1973 / 26-2-2023) và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược (15-3-2018 / 15-3-2023). Trong bối cảnh đó, từ ngày 3 đến 4-6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã trả lời phỏng vấn báo chí về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ song phương.
Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đối với mối quan hệ hợp tác hai nước?
Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Thủ tướng Anthony Albanese thăm Việt Nam đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Đây là chuyến thăm chính thức thứ hai của ông tới một quốc gia Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức và là chuyến thăm chính thức thứ ba của một thủ tướng Australia đến Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử 50 năm qua, Thủ tướng Australia đầu tiên thăm Việt Nam (tháng 4-1994) là ngài Paul Keating, sau đó là Thủ tướng Scott Morrison thăm Việt Nam (tháng 8-2019). Ba vị thủ tướng khác đều chỉ thăm Việt Nam nhân các sự kiện đa phương, đó là Thủ tướng John Howard (tháng 11-2006), Thủ tướng Julia Gillard (tháng 10-2010) và Thủ tướng Malcolm Turnbull (tháng 11-2017). Điều này cho thấy chính quyền Công đảng của Thủ tướng Albanese đặc biệt coi trọng Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Australia |
Trong năm qua, Australia đã chủ động triển khai những bước đi mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hướng tới các nước láng giềng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thể hiện qua việc lập chức vụ Đặc phái viên Đông Nam Á của thủ tướng, chuẩn bị xây dựng Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 và tăng đáng kể viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho khu vực sau khi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN…
Trong bối cảnh cả hai nước đều chủ động thúc đẩy thực chất quan hệ song phương như vậy, tôi tin rằng chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Albanese sẽ có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở cho quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa hai nước trong giai đoạn mới cả trên bình diện song phương lẫn đa phương, đồng thời góp phần thắt chặt quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Phóng viên: Đại sứ có thể cho biết trọng tâm chương trình nghị sự trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Anthony Albanese? Theo Đại sứ, những hoạt động đó sẽ đóng góp như thế nào cho mối quan hệ Việt Nam – Australia?
Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Trước tiên, Thủ tướng Albanese là lãnh đạo của Công đảng, do đó cuộc trao đổi của ông với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Như chúng ta đã biết, Chính phủ Công đảng của cố Thủ tướng Gough Whitlam đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Dưới thời Công đảng, Australia đã hai lần đón Tổng Bí thư Việt Nam thăm chính thức vào các năm 1995 và 2009. Một điều thú vị mà tôi mới được cựu Toàn quyền Bill Hayden chia sẻ là vào năm 1987, Thủ tướng Albanese – khi đó còn là một cán bộ trẻ – đã tháp tùng đoàn chính phủ thăm Việt Nam. Đây có thể là điểm khởi đầu tác động tới tình cảm cá nhân tốt đẹp của Thủ tướng Albanese với Việt Nam, mà có lẽ vì vậy ông dự kiến thăm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Tôi tin cuộc gặp đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo đảng sẽ củng cố lòng tin chiến lược và đặt nền móng cho quan hệ đối tác bền chặt giữa hai nước trong những thập kỷ tới.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: Getty |
Các cuộc trao đổi của Thủ tướng Albanese với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam được trông đợi sẽ có nhiều nội dung thực chất, thiết thực cả về song phương lẫn đa phương… Theo đó, cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese được trông đợi sẽ xác định đường hướng mới cho hợp tác song phương và đa phương, khẳng định lại những lĩnh vực và trọng tâm hợp tác trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng hai nước sẽ ưu tiên hợp tác trong những lĩnh vực cùng có lợi, có tính bổ sung lẫn nhau cao như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển xanh, năng lượng sạch, chuỗi cung ứng bền vững và phối hợp tại tiểu vùng Mekong, ASEAN cũng như các diễn đàn khu vực, quốc tế khác. Đây có thể sẽ là những trụ cột hợp tác mới để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam–Australia lên tầm cao mới.
Ngoài ra, hai thủ tướng cũng dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và khai trương một số đường bay trực tiếp mới giữa hai nước.
Phóng viên: Xin Đại sứ đánh giá triển vọng của việc nâng cấp quan hệ trong hoặc sau chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese cũng như tiềm năng của mối quan hệ Việt Nam-Australia trong tương lai?
Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế với nhiều thành tựu quan trọng, trong khi Australia ưu tiên hơn các nước láng giềng, đặc biệt coi trọng ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hai nước chia sẻ những giá trị căn bản như hòa bình, dân chủ, pháp quyền, công bằng và bình đẳng, luôn quan tâm bảo vệ lợi ích chung của khu vực, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc.
Thời gian qua, quan hệ hai nước ngày càng gần gũi, lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, quan hệ toàn diện được đẩy mạnh trên tất cả các kênh đảng, nhà nước và nhân dân. Các lĩnh vực then chốt như kinh tế, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, phát triển nhân lực, du lịch… có những tiến triển ngoạn mục. Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, ODA của bạn ngày càng gia tăng, hỗ trợ vaccine của bạn giúp ta ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch Covid-19. Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động. Theo điều tra của Viện Lowy, người dân Australia dành tình cảm hết sức nồng ấm cho người dân Việt Nam. Có lẽ xuất phát từ lý do này, các bang và vùng lãnh thổ của Australia đều quan tâm thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam.
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Australia (30-11 đến 3-12-2022), hai bên đã công bố ý định nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp. Sau 5 năm triển khai quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương đã trở nên sâu sắc, toàn diện hơn bao giờ hết. Có thể nhận định, trên thực tế quan hệ hai nước đã vươn tới tầm cao mới, việc nâng cấp sẽ được công bố chính thức khi hai bên hoàn tất thủ tục nội bộ. Việc khẳng định chính thức chỉ là vấn đề thời gian, tùy thuộc chủ yếu vào sự chuẩn bị các mặt của hai bên.
Phóng viên: Thưa Đại sứ, Việt Nam trông đợi gì từ chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Anthony Albanese?
Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Như đã nêu trên, chúng tôi trông đợi những kết quả cụ thể, thiết thực cho quan hệ hai nước.
Thứ nhất, chuyến thăm sẽ tạo khuôn khổ mới cho quan hệ trên tất cả các kênh, tiếp tục làm sâu sắc lòng tin chiến lược, hướng tới tầm nhìn chung của hai nước cho 50 năm tới.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ tạo xung lực cho hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như văn hóa, đầu tư, lao động, giao lưu nhân dân thông qua việc thiết lập các cơ chế và hoạt động song phương phù hợp, triển khai các biện pháp đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện hơn, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước.
Thứ ba, chuyến thăm sẽ mang lại đột phá trong quan hệ kinh tế, mở ra cơ hội mới trong hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng sạch, giúp định hướng rõ nét hơn đối với hợp tác địa phương, làm sâu sắc thêm và nâng tầm hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác ba bên, tiếp tục phối hợp chặt chẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
TTXVN