Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ du học sinh Việt Nam. Ông cũng nói về “lợi thế lớn” của Úc nhờ cộng đồng người Việt đông đảo, sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.
Trong chuyến thăm chính thức Úc từ ngày 7 đến 9-3 vừa qua, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính phần lớn sự kiện ở Canberra.
Tranh thủ thời gian trống của ông giữa các sự kiện, nhóm phóng viên tháp tùng đoàn Thủ tướng đã có một cuộc phỏng vấn với ông.
Trong đó, khi được hỏi về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa mới thiết lập giữa Việt Nam và Úc, Đại sứ Andrew Goledzinowski đã gọi đây là một cột mốc lịch sử, mở ra giai đoạn hiểu biết và tin cậy lớn hơn giữa hai nước trong 50 năm tới.
Phóng viên Tuổi Trẻ cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn và đặt một số câu hỏi cho Đại sứ Andrew Goledzinowski.
Cộng đồng người Việt quan trọng cho cả hai nước
* Cộng đồng người Việt ở Úc, với hơn 350.000 người, là một cộng đồng lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất Úc công nhận đây là một dân tộc thiểu số. Liệu có thay đổi gì với cộng đồng này ở Úc và người Úc ở Việt Nam hay không sau khi hai nước nâng cấp quan hệ?
– Chà, cộng đồng người Việt ở Úc 350.000 người là một trong những cộng đồng thành công nhất. Họ làm việc chăm chỉ, thông minh, họ dám nghĩ dám làm, họ mở doanh nghiệp, nhà hàng và nhiều thứ khác. Họ tạo ra giá trị và được đánh giá rất cao ở Úc.
Chúng tôi cũng tôn trọng bản sắc Việt Nam của họ, ủng hộ họ nên duy trì văn hóa và ngôn ngữ của mình. Cá nhân tôi cho rằng quy mô cộng đồng người Việt tại đây là một lợi thế rất lớn đối với Úc, bởi vì ngày càng có nhiều người Úc nói tiếng Việt. Biết đâu thế hệ tiếp theo sẽ quay trở lại Việt Nam và khởi nghiệp, mở rộng thương mại và đầu tư.
Những dự án “tuyệt vời”
* Thưa ông, theo như tôi hiểu, hai nước sẽ có một kế hoạch hành động để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Sẽ mất bao lâu để hoàn tất kế hoạch đó? Hiện tại đã có kế hoạch cụ thể nào nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kinh tế, khoa học – công nghệ hay giáo dục?
– Ngay khi tôi trở lại Hà Nội, chúng tôi sẽ bắt đầu lên kế hoạch hành động, nhưng tôi không thể nói cụ thể thời gian là khi nào.
Có rất nhiều bộ, ngành khác nhau sẽ tham gia vào việc xây dựng kế hoạch hành động. Vì vậy sẽ mất một chút thời gian, nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể thực hiện điều đó sớm. Kế hoạch hành động này sẽ đề cập đến tất cả các lĩnh vực nêu trên, mỗi lĩnh vực sẽ nêu việc gì cần phải làm, vì đây đều là những vấn đề quan trọng.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nghĩa là các lĩnh vực hợp tác phải rộng khắp. Chúng tôi không chỉ làm hai hay ba việc, mà sẽ hợp tác với Việt Nam về mọi mặt.
* Sau khi tuyên bố nâng cấp, hai nước cũng mong muốn thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều. Những lĩnh vực tiềm năng nào ở Úc mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư, thưa ông?
– Có một số lĩnh vực thú vị. Đầu tiên là nông nghiệp. Vì Việt Nam là nước nông nghiệp và Úc cũng chú trọng nông nghiệp nhưng chúng ta có các loại hình nông nghiệp khác nhau và khí hậu, mùa màng cũng khác nhau.
Tôi đã gặp một số lãnh đạo của Tập đoàn TH ở Việt Nam. Bốn năm trước, họ quyết định chăn nuôi bò thịt ở Úc, và họ mua rất nhiều đất cho việc này.
Chủ tịch TH khi đó nghĩ dự án này sẽ chỉ có lãi sau 5 năm, nhưng mới 2 năm họ đã có lãi, với đàn gia súc 85.000 con và đang rất thành công. Bây giờ họ muốn mở rộng sang các lĩnh vực trồng trọt khác, mua thêm đất ở Úc, kể cả ở Tasmania.
Một ví dụ khác là Công ty 4 Ways Fresh có trụ sở tại bang Nam Úc nhưng đang mở rộng sang Tây Úc. Một thanh niên người Úc gốc Việt đã thành lập đồn điền với tham vọng trở thành nhà sản xuất rau quả tươi lớn nhất ở Úc.
Và hiện nay anh ấy đang xuất khẩu sản phẩm đó trở lại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới. Đó là những câu chuyện tuyệt vời. Vì vậy tôi nghĩ nông nghiệp là một lĩnh vực có tiềm năng rất mạnh.
Lĩnh vực rất có triển vọng tiếp theo là khách sạn và du lịch. Hay trong lĩnh vực khai khoáng, Hòa Phát của Việt Nam đã đầu tư vào Úc. Có thể nói Úc là một nơi rất thân thiện để đầu tư. Và tôi nghĩ người Việt Nam sẽ tìm được nhiều cơ hội tốt tại Úc.
* Xu hướng hiện nay đang là nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Chúng ta đang nói về kỷ nguyên sản xuất nông nghiệp với ít đất và nước, phân bón hơn nhưng năng suất cao hơn. Úc có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với Việt Nam, thưa ông?
– Chà, tất cả phụ thuộc vào loại cây trồng nào và ở khu vực nào. Ở Úc, chúng tôi thực hiện rất nhiều thứ mà chúng tôi gọi là canh tác diện rộng, những khu vực rộng lớn nơi bạn có thể có 6 hoặc 7 máy gặt ở cạnh nhau và đang thi nhau chạy lên xuống. Chúng được điều khiển bởi vệ tinh bởi vì đây là một khu vực rất lớn.
Việt Nam sẽ khó có thể áp dụng được. Nhưng cơ quan khoa học của chúng tôi đang làm việc với nông dân Việt Nam để tìm ra cách họ có thể sử dụng vệ tinh để theo dõi lượng ẩm trong lòng đất.
Nhờ đó, họ biết nên tưới thêm hay bớt tưới. Bằng cách ngồi ở nhà, người nông dân có thể tính toán lượng độ ẩm cần thiết. Có rất nhiều công việc công nghệ cao như vậy đang diễn ra.
Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tuần này đã ký một bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. ACIAR đang nghiên cứu một loại lúa mới thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Họ đang làm việc trên rất nhiều lĩnh vực như vậy, nơi công nghệ có thể được áp dụng để làm cho hoạt động nông nghiệp trở nên bền vững hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Tại Việt Nam, ACIAR đã làm việc hơn 30 năm và đầu tư hơn 160 triệu AUD. Phân tích của họ cho thấy rằng cứ mỗi AUD họ đầu tư thì có 90 AUD giá trị được tạo ra – một tác động rất cao.
Cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam để cố gắng mang lại lợi thế tốt nhất về công nghệ cho nông dân địa phương.
* Nếu được yêu cầu chỉ nói 2 từ tiếng Anh để mô tả quan hệ Việt Nam – Úc, ông sẽ nói gì?
– Tôi sẽ nói đó là mối quan hệ “mạnh mẽ và chân thành”.
* Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi!
Lời khuyên cho du học sinh Việt: Học tập nghiêm túc
* Sinh viên Việt Nam đang là nhóm sinh viên đông thứ 6 tại Úc và đóng góp nhiều cho nền kinh tế Úc. Vậy ông có lời khuyên gì cho chính phủ của mình để tạo thuận lợi hơn cho các sinh viên Việt Nam, chẳng hạn như thị thực?
– Tôi nghĩ hệ thống hiện tại đã rất hoàn thiện và đang hoạt động khá tốt. Trong khi Việt Nam đứng thứ sáu về tổng số du học sinh tại Úc nói chung thì tôi nghĩ nó đứng thứ ba hoặc thứ tư về giáo dục bậc đại học.
Và trong giáo dục đại học, không khó để có được thị thực. Khó khăn xảy ra khi mọi người đến Úc để học và đào tạo nghề ở trình độ thấp hơn. Và trong một số trường hợp, những du học sinh đó đôi khi bị các trung tâm du học lừa dối về những gì họ có thể có khi đến Úc.
Nhưng đối với những sinh viên sắp vào các trường đại học nghiêm túc để học tập nghiêm túc, tôi nghĩ hệ thống này đang hoạt động rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ và đảm bảo rằng trải nghiệm của họ ở Úc sẽ tốt đẹp.
Tuoitre.vn