Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, có 12 trường đại học, phân hiệu và đơn vị thành viên. Hiện đơn vị này đang triển khai các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có các trường đại học của Thụy Sĩ. Đến nay, đã có 12 sinh viên Thụy Sĩ đến thực tập tại Đại học Thái Nguyên, ngược lại là 6 sinh viên các trường thành viên đến thực tập tại đất nước châu Âu này.
Phó Đại sứ Aldo de Luca đánh giá thông tin đã triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học và lựa chọn dự án xuất sắc để tài trợ kinh phí thực hiện đối với các dự án có cán bộ, giảng viên của 2 nước cùng thực hiện. Đại sứ quán Thụy Sĩ tiếp tục quan tâm nghiên cứu nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ông Aldo de Luca mong muốn ngành Giáo dục của Thụy Sĩ hợp tác với Đại học Thái Nguyên trong nghiên cứu khoa học, tuyển sinh trình độ Tiến sĩ trở lên, hưởng học bổng của Chính phủ Thụy Sĩ…
Phó GS. TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cảm ơn Đại sứ quán Thụy Sỹ đã tài trợ cho trung tâm FEMMA (thuộc Đại học Thái Nguyên) thực hiện các dự án có thiết thực, mang nhiều giá trị gắn kết và phát triển cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số; hỗ trợ họ trong việc nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng sống và phát triển sinh kế…
Đại học Thái Nguyên mong muốn thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam sẽ được hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu của Thụy Sĩ trong phát triển chương trình đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên và Hội thảo khoa học…
Cũng trong chương trình làm việc tại Thái Nguyên, Phó Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Aldo de Luca cũng đã gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với các sinh viên đang theo học tại các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên.