“Chúng ta không chỉ có một câu chuyện duy nhất. Mỗi người đều có suy nghĩ và góc nhìn riêng của mình. Khi lắng nghe lẫn nhau, chúng ta cũng học hỏi thêm về văn hóa của chính mình”.
Đó là chia sẻ của Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto với Thanh Niên tại buổi ra mắt cuốn sách “Lửa trời đuôi cáo” của tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung vào tối 12.11 tại TP.HCM.
Tên gọi “Lửa trời đuôi cáo” lấy cảm hứng từ huyền thoại Bắc cực quang của người Phần Lan: trong một lần nọ, cáo chọc phá gấu, gấu nổi giận đốt đuôi cáo, rượt đánh cáo. Cáo hoảng hốt, vừa chạy như bay vừa quật đuôi xuống tuyết, những tia lửa đủ màu bay lên trời.
Trong không gian ấm cúng bao quanh bởi những kệ sách, “Lửa trời đuôi cáo” được tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung giới thiệu với bạn đọc của mình. Là ấn phẩm được tái bản lần thứ hai nhưng có nhiều nét mới với những câu chuyện cập nhật, phỏng vấn độc quyền với bà Tarja Halonen – nữ tổng thống đầu tiên của Phần Lan hay phần nhận xét của Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan.
Đại sứ Keijo Norvanto cho biết mặc dù sách được viết bằng tiếng Việt nhưng qua một phần bản dịch và chia sẻ của các đồng nghiệp người Việt tại đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội, ông thật sự thích cuốn sách này và nhận ra nhiều điều quen thuộc ở quê nhà của mình.
“Có nhiều cuốn sách về Phần Lan, những cuốn sách về đất nước của chúng tôi, từ nhiều góc nhìn khác nhau hay cả những tiểu thuyết đã được dịch ra. Nhưng đây là cuốn sách đầu tiên nói về văn hóa của chúng tôi, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, về những điều quan trọng với tất cả chúng tôi. Vậy nên tôi nghĩ rằng cuốn sách này vô cùng ý nghĩa. Cách bạn giải thích những nét đặc trưng mà chúng tôi coi là một phần của cuộc sống hàng ngày, nhưng tác giả đặt chúng vào ngữ cảnh của người Phần Lan, đó là điều rất đặc biệt”, ông Keijo Norvanto nói.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto
Đại sứ Phần Lan cũng chia sẻ với Thanh Niên rằng ngày càng nhiều người Việt Nam tới Phần Lan, thông thường họ sẽ tìm hiểu điểm đến qua internet hay sách của người Phần Lan viết ra cho thế giới, nhưng đó là cách nhìn của chính người Phần Lan. “Họ cũng có thể tìm hiểu một phần văn hóa Phần Lan bằng chính tiếng Việt và từ góc nhìn của người Việt từng sống ở Việt Nam. Tôi chắc rằng điều này sẽ rất hữu ích và thú vị cho những ai muốn biết về cuộc sống ở Phần Lan và có thể hình dung ra những gì đang chờ đón họ.Và tôi nghĩ đây là cách nhìn rất khác so với cách chúng tôi nhìn về chính mình. Chúng ta không chỉ có một câu chuyện duy nhất. Mỗi người đều có ý tưởng và góc nhìn riêng của mình. Khi lắng nghe lẫn nhau, chúng ta cũng học hỏi thêm về văn hóa của chính mình”, ông bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thay vì chỉ có một hình ảnh cố định về đất nước, chúng tôi nên có một khái niệm đa chiều về Phần Lan. Giống như khi bạn nhìn một quả cầu từ các góc khác nhau, bạn sẽ thấy cùng một vật nhưng từ những góc nhìn khác nhau, điều đó thực sự thú vị và ý nghĩa đối với chúng tôi và qua đó chúng tôi có thể cập nhật hình ảnh của Phần Lan ngày nay trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa”.
Nói về nét tương đồng trong văn hóa, con người Phần Lan và Việt Nam, Đại sứ Keijo Norvanto cho rằng cả hai nước đều là những dải đất trải dài với những cộng đồng, dân tộc có đặc trưng riêng. Tuy nhiên cũng có nhiều điều tương đồng mà ông nhận thấy, như con người ở Phần Lan và Việt Nam đều khiêm nhường, chăm chỉ, coi trọng giáo dục và hướng tới tương lai.
“Tôi nhận thấy người Việt Nam cũng rất trân trọng văn hóa và bản sắc dân tộc của mình. Các bạn tự hào về việc là người Việt Nam, cũng giống như chúng tôi ở Phần Lan. Chúng tôi có một ngôn ngữ đặc biệt mà không nước nào khác trên thế giới nói được. Ngôn ngữ ấy rất khó, nhưng đó là một phần rất quan trọng đối với chúng tôi”. Đại sứ Phần Lan cũng nhận xét con người và cuộc sống ở Việt Nam năng động và hoạt bát hơn, trong khi người Phần Lan trầm lặng hơn một chút. “Dù vậy ở đây cũng có những người không dễ lên tiếng vì ngại ngùng. Tôi nghĩ rằng trên thế giới, có những điểm tương đồng và khác biệt, nhưng chúng ta luôn có thể tìm thấy sự gắn kết”, ông nói.
Tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung
Nguồn: https://thanhnien.vn/dai-su-phan-lan-va-lua-troi-duoi-cao-185241112233535819.htm