Đại sứ Solbakken đã nhấn mạnh tới xu hướng phát triển hải sản bền vững trong bài phát biểu tại hội thảo “Học viện cá hồi Na Uy” do Hội đồng Hải sản Na Uy tổ chức tại Hà Nội ngày 8/11, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành thực phẩm và đồ uống.
Theo bà Solbakken, dân số thế giới gần đây đã cán mốc 8 tỷ người. Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu về thực phẩm cũng tăng lên. Do đó, điều quan trọng là sản xuất thực phẩm một cách bền vững.
Nhà ngoại giao Na Uy cho rằng, hải sản có thể là một phần quan trọng của giải pháp vì có hàm lượng dinh dưỡng cao và lượng chất béo thấp. Việc nuôi trồng hải sản cũng thải ra lượng khí thải carbon nhỏ hơn nhiều so với sản xuất thịt trên đất liền.
Sở hữu đường bờ biển trải dài hơn 100.000km và là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai thế giới, Na Uy cung cấp khoảng 40 triệu bữa ăn hải sản hàng ngày cho 150 quốc gia trên toàn cầu. Ngành hải sản Na Uy đặt việc quản lý tài nguyên biển có trách nhiệm làm cốt lõi, chuyển từ đánh bắt không hạn chế sang các quy định nghiêm ngặt và thiết lập các tiêu chuẩn để quản lý các nguồn lợi từ biển một cách bền vững.
Việt Nam và Na Uy có hơn 50 năm quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác. Theo bà, việc sử dụng bền vững tài nguyên biển là mối quan tâm chung của các nước ngày nay, từ quản lý nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy sản đến chuỗi giá trị thủy sản cùng có lợi.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC), cũng nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của ngành thủy sản Na Uy.
“Nền tảng của ngành hải sản Na Uy là cam kết phát triển có trách nhiệm và duy trì sự cân bằng tự nhiên trong môi trường. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ hệ sinh thái sinh thái biển, góp phần đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngành hải sản”, ông Rørtveit nói.
Tại hội thảo, ông Rørtveit đã giải thích cặn kẽ về quy trình chăn nuôi toàn diện của cá hồi Na Uy với các quy định nghiêm ngặt và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Ông nói, bên cạnh đặc thù về hương vị tươi ngon, kết cấu tinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, tất cả các sản phẩm cá hồi Na Uy đều xuất phát từ cam kết thực hành phát triển bền vững và tích hợp các công nghệ tiên tiến.
Hội thảo “Học viện cá hồi Na Uy” thể hiện cam kết của NSC trong việc tăng cường mối kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại trong lĩnh vực hải sản giữa Na Uy và Việt Nam.
“Chia sẻ những món ăn ngon là một cách tuyệt vời để củng cố các mối quan hệ”, Đại sứ Solbakken nói.