– Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ có chuyến thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm này đối với quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước?
– Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sắp có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 – 20.8.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh sẽ hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm một số địa điểm ở Trung Quốc – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ có cuộc gặp với hội hữu nghị, nhân sĩ, trí thức Việt Nam và Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm cũng là sự tiếp nối sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam rất thành công năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng cao độ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dành cho phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước và cũng thể hiện ưu tiên trong chính sách ngoại giao, đối ngoại của mỗi nước.
Phía Trung Quốc kỳ vọng thông qua chuyến thăm sẽ tiếp tục kế thừa mối tình hữu nghị giữa Trung – Việt, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Hai nước chung tay đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa mang đặc sắc của mỗi nước và cùng nhau thúc đẩy phát triển công cuộc xã hội chủ nghĩa của thế giới, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đang tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng, soạn thảo văn kiện cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Ngày 13.8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp quan trọng của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV. Vì vậy, theo tôi chuyến thăm lần này cũng là cơ hội để hai bên trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng Đảng và quản lý đất nước.
– Với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố và ngày càng đi vào chiều sâu. Theo Đại sứ đến nay đã có những kết quả đáng chú ý gì từ việc hiện thực hóa nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, cũng như Tuyên bố chung hai nước?
– Hiện Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực cùng nhau thực hiện những nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, cũng như Tuyên bố chung hai nước. Việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đã có những bước khởi đầu rất tốt.
Về quan hệ chính trị, đó là sự trao đổi, giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước luôn được duy trì chặt chẽ. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời thông qua các hình thức linh hoạt đã duy trì sự trao đổi chiến lược, mật thiết với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có chuyến thăm Trung Quốc rất thành công vào tháng 4. Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ 2 đến Trung Quốc tham dự Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Những cuộc gặp này có hiệu quả rất tốt.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng có các chuyến thăm Trung Quốc rất thành công.
Về phía Trung Quốc, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng lần lượt thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, Bí thư các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam có cuộc gặp với Bí thư 4 tỉnh của Việt Nam có đường biên giới giáp với Trung Quốc.
Về an ninh quốc phòng, hai bên có hợp tác ngày càng thực chất hơn. Tháng 4 vừa qua, Quân đội hai nước đã tổ chức thành công giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 8. Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân có cuộc hội đàm rất hiệu quả với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang.
Hai nước còn thiết lập đường dây nóng giữa Quân chủng Hải quân Việt Nam và Chiến khu miền Nam (Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc). Ngoài ra, còn có những chuyến thăm của tàu quân sự và giao lưu sĩ quan trẻ hai nước… Có thể nói, trong hợp tác quốc phòng an ninh, hai nước đã đạt được những tiến triển rất tích cực.
Về kinh tế – thương mại, tiếp tục duy trì đà phát triển ở mức cao. 7 tháng của năm nay, kim ngạch thương mại song phương, theo thống kê từ phía Trung Quốc đạt 145 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu rau quả, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 92,4% trong tổng lượng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam ra nước ngoài.
Hai nước đang đẩy nhanh ký kết, hoàn tất thủ tục để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc. Tôi tin rằng sau khi hoàn thành thủ tục trên, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng.
Về đầu tư, đầu tháng 8, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, kim ngạch đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) sang Việt Nam trong 7 tháng năm nay đạt 2,19 tỷ USD, đứng thứ 2. Trung Quốc Đại lục cũng đầu tư 1,64 tỷ USD, đứng thứ 4. Tuy nhiên, về số lượng dự án đầu tư mới sang Việt Nam thì Trung Quốc Đại lục vẫn xếp thứ nhất.
Về du lịch, 7 tháng năm nay, có hơn 2,1 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, đứng thứ 2. Có thể nói, hai nước đã cùng nhau nỗ lực thực hiện Tuyên bố chung năm 2023 về phương hướng hợp tác “6 hơn”, thúc đẩy sự hợp tác phát triển trên tất cả lĩnh vực và đạt được những tiến triển rất tích cực.
– Năm 2024 đánh dấu 25 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả và ý nghĩa của việc triển khai các văn kiện quan trọng này?
– Việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Trung Quốc – Việt Nam đã giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên đất liền hai nước về mặt pháp luật, thể hiện ý chí và quyết tâm kiên định mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Sự kiện này trở thành một hình mẫu thành công mà hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường mạnh mẽ niềm tin của hai bên về đối thoại, giải quyết tốt bất đồng đối với vấn đề biên giới và trên biển khác.
Hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước biên giới trên đất liền Trung Quốc – Việt Nam, Nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Khu vực biên giới Trung Quốc – Việt Nam đã trở thành khu vực biên giới hòa bình nhất, ổn định nhất, hài hòa nhất, giao lưu thương mại và nhân viên đi lại sôi nổi hàng đầu trên thế giới.
Tôi vẫn nhớ rất rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8 năm ngoái đến cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan khảo sát và đã nhấn mạnh rằng trên thế giới chỉ có duy nhất khu vực biên giới ở đây đặt tên cửa khẩu bằng hai chữ “Hữu Nghị”, là “có một không hai” trên thế giới; thể hiện sinh động cảnh tượng giao lưu hữu nghị tại khu vực biên giới hai nước. Một khu vực biên giới hòa bình, an ninh rất đáng để chúng ta tự hào.
– Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc lần này tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét về một nhiệm kỳ thành công của Đại sứ Hùng Ba tại Việt Nam với việc triển khai nhiều chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Là người gắn bó với Việt Nam, theo Đại sứ, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ có cơ hội gì trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh năm sau, năm 2025 đánh dấu 75 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao?
– Ôn lại lịch sử hai Đảng và hai nước Trung Quốc – Việt Nam để thấy rõ mối tình thắm thiết Việt – Trung vừa là đồng chí vừa là anh em, thể hiện sinh động quan hệ hai Đảng, hai nước.
Sang năm, hai nước cần tiếp tục kiên trì thực hiện những định hướng chiến lược mà lãnh đạo hai Đảng đã đề ra; phải kiên trì với sự dẫn dắt chính trị của quan hệ hai Đảng đối với hai nước; ủng hộ lẫn nhau đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước; cùng nhau thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Cho nên, hai nước cần kiên trì hợp tác trên tất cả các mặt. Thời gian tới, tôi nhận thấy trong hợp tác hai nước cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Hai nước cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để tạo thuận lợi cho phát triển của mỗi nước.
Ngoài ra, tôi cho rằng hai nước đều coi trọng chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Trong Tuyên bố chung năm 2023, hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn”, trong đó có kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng. Chúng ta phải tuân theo nhận thức chung đã được lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước thông qua, hiệp thương và kiên trì đối thoại để kiểm soát, giải quyết vấn đề bất đồng, không làm cho những bất đồng ảnh hưởng đến đại cục và làm phân tán sức lực của hai bên và không làm tổn hại đến tình cảm của Nhân dân hai nước.
– Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/theo-dong-su-kien/dai-su-hung-ba-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-cung-co-hon-nua-tin-cay-chinh-tri-i384422/