Ông Julien Guerrier, Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc có thể gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU về khai thác thủy sản bất hợp pháp đối với Việt Nam. Lần thanh tra tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5/2024.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua, trong buổi làm việc với phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Julien Guerrier, Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc có thể gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đối với ngành hải sản Việt Nam.
Cụ thể, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao cao tinh thần chủ động của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu nâng cao năng lực cộng đồng ngư dân, hiện đại hóa ngành sản xuất có truyền thống lâu đời.
Vị đại diện EU cho rằng, tháng 4/2024 là đợt cao điểm để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của châu Âu. Vì thế, EU kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của châu Âu sau chuyến công tác và làm việc Ủy ban châu Âu (EC), chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng tới.
Phía EC cũng đưa ra một số khuyến nghị với Việt Nam trong đợt thanh tra lần thứ 4. Theo đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS.
Việc gỡ thẻ vàng IUU vừa tạo sinh kế cho ngư dân, vừa tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển. |
Về phía Việt Nam, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong thời gian tới, các địa phương sẽ tích cực triển khai Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam.
“Hiện nay, Bộ đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình này và chuẩn bị ban hành” – ông Hoan cho biết.
Cũng theo ông Hoan, để đáp ứng các yêu cầu của EC, các địa phương cần tăng cường thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý đồng thời trang bị thiết bị cần thiết để quản lý tàu cá; tập trung tối đa cho việc chuẩn bị dữ liệu cho chuyến đánh giá lần thứ 4 của EC vào tháng 5/2024.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Giám đốc Sở không được chủ quan, tăng cường kiểm tra đột xuất, không để vi phạm tiếp tục xảy ra trước và trong đợt kiểm tra.