(Dân trí) – Các đại sứ, nhà ngoại giao, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã viết sổ tang bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Vào sáng 25/7, tại Nhà khách Chính phủ, đại sứ, đại diện các đại sứ quán, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã viết sổ tang chia buồn tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cùng gia đình Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Từ sáng sớm, rất đông nhà ngoại giao các nước đã tới ghi sổ tang, bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam Saudi Salama viết trong sổ tang: “Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến hết tâm sức và trí tuệ của mình cho các công tác quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng vững mạnh, trong sạch, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đưa đất nước Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế”.
“Ngài đã trở thành niềm hy vọng và tấm gương đối với nhân dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, lãnh đạo, nhân dân Palestine và nhân dân yêu chuộng hòa bình mất đi một người bạn vô cùng gần gũi, thân thiết, giản dị, quyết đoán. Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ khắc sâu trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, Đại sứ Palestine viết.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đến chia buồn, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đại sứ Knapper nói rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất có tầm nhìn sâu rộng về quan hệ Việt – Mỹ. Đại sứ Knapper lần đầu tiên gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022 khi ông mới nhậm chức tại Việt Nam. Đại sứ đặc biệt ấn tượng với tầm nhìn cũng như cam kết của Tổng Bí thư đối với quan hệ Việt – Mỹ và đã được chứng kiến điều này khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái.
“Tôi có thể thấy tình cảm ấm áp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau sau 8 năm. Điều đó cho thấy rằng, kể từ sau lần gặp gỡ vào năm 2015, sự gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo vẫn rất mạnh mẽ. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ tầm nhìn và cam kết chung cho quan hệ Việt – Mỹ. Trách nhiệm của chúng ta là tiếp nối di sản của Tổng Bí thư để thực hiện tầm nhìn sáng suốt của ông về tương lai của hai nước, thắt chặt hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ”, Đại sứ Knapper cho biết.
“Nếu không có sự lãnh đạo, cam kết và tầm nhìn của Tổng Bí thư, quan hệ giữa hai nước không thể đi đến ngày hôm nay. Mọi lĩnh vực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, từ kinh tế, quốc phòng, y tế, năng lượng… đều phát triển. Thành tựu đó có được nhờ tầm nhìn, sự lãnh đạo và cam kết của Tổng Bí thư đối với quan hệ Việt – Mỹ”, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko có mặt từ sớm, ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam Ri Ho Jun đến chia buồn và ghi sổ tang.
Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam A. Saj U.Mendis gửi lời chia buồn trong sổ tang. Ông viết: “Chính phủ và nhân dân Sri Lanka chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đáng kính của đất nước Việt Nam. Tôi hy vọng người dân Việt Nam sẽ vượt qua nỗi đau trước sự ra đi của nhà lãnh đạo, người đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu”.
“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, người thân và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp lớn cho quan hệ song phương Việt Nam – Malaysia. Dưới sự lãnh đạo của ông, hai nước đã đạt được thành tựu quan trọng là quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập vào năm 2015. Việt Nam đã mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Cuộc đời của ông sẽ là tấm gương và nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau”, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai viết trong sổ tang.
Bà Laura Leguizamo Naranjo, đại diện đại sứ quán Colombia tại Việt Nam, gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sổ tang.
Nhắc lại chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Anh năm 2013, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm này và chuyến thăm đã giúp gắn kết quan hệ song phương Việt Nam – Vương quốc Anh.
“Việt Nam và Vương quốc Anh đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương, hợp tác hiệu quả trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, thương mại, cho đến những lĩnh vực quan trọng hiện nay như biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ chứng kiến thành quả của sự hợp tác đó trong những năm tới”, Đại sứ Iain chia sẻ với phóng viên Dân trí sau khi viết sổ tang.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer nói với phóng viên Dân trí rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ giữa hai nước trong thời gian công tác của ông. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ, đảng và nhân dân hai nước”, Đại sứ Mayer nhấn mạnh.
Đại biện lâm thời, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Mette Ekeroth cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như quan hệ song phương Việt Nam – Đan Mạch. Là một nhà ngoại giao, bà Ekeroth ấn tượng với trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam gắn liền với dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được xem là “kiến trúc sư” của trường phái ngoại giao này.
Cũng trong sáng nay, các đoàn kiều bào đã tới Nhà khách Chính phủ, ghi sổ tang bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Hồ Văn Bình (thứ hai từ phải sang), Cố vấn Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan, từng có vinh dự gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Tổng Bí thư có chuyến thăm Thái Lan cách đây 11 năm. Trong ký ức của ông Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với ông gần gũi như hai anh em và đó là tình cảm thân thương của một người anh lớn. Đối với ông Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Bình cho biết cộng đồng người Việt ở Thái Lan vô cùng thương tiếc và đau buồn khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Bà Meyer Bùi Thị Thu Minh, đại diện cho Liên hiệp hội người Việt tại Đức, nói rằng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bản thân bà cũng như bà con người Việt ở Đức vô cùng thương tiếc, đau buồn. Bà Minh kể lại rằng bà từng có vinh dự được về nước tham dự hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài và có dịp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Minh ấn tượng với hình ảnh Tổng Bí thư đi hỏi thăm, bắt tay, ân cần hỏi thăm kiều bào như người thân trong gia đình. Đối với bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống rất tình cảm, gần gũi và quan tâm tới kiều bào ở xa Tổ quốc.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/dai-su-cac-nuoc-viet-so-tang-tuong-nho-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-20240725105158236.htm