Lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức vừa có cuộc thảo luận với lãnh đạo Mỹ để củng cố quan hệ song phương giữa bối cảnh Đài Bắc lo ngại bị Trung Quốc đại lục tấn công quân sự.
Viết trên mạng xã hội X ngày 5.12, Nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức cho biết vừa có cuộc điện đàm với các lãnh đạo tại quốc hội Mỹ là Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của đảng Cộng hòa và lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện Hakeem Jeffries. Ngoài ra, ông cũng điện đàm với Thượng nghị sĩ Roger Wicker – nhân vật hàng đầu của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Lo ngại dâng cao
Động thái trên được đánh giá như một nỗ lực của Đài Bắc trong việc củng cố quan hệ với Washington khi Đài Loan được cho là đối mặt thách thức dưới thời chính quyền sắp tới của Mỹ. Cụ thể, một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chủ yếu tập trung thương chiến với Trung Quốc để đắc lợi, chứ không quá “mặn mà” việc bảo vệ Đài Bắc trước Bắc Kinh.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn xem tấn công quân sự là một trong các giải pháp để “thu hồi” Đài Loan. Kể từ tháng 8.2022 – khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Trung Quốc đại lục đã đẩy tình trạng căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan lên một mức mới với sức ép ngày càng lớn hơn. Thậm chí mới đây, Trung Quốc hồi tháng 10 đã tiến hành cuộc tập trận “khủng” với sự tham gia của 153 máy bay quân sự và nhiều tàu hải quân, tàu chấp pháp theo kịch bản phong tỏa Đài Loan.
Nhận xét về tình hình Đài Loan, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình châu Á, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ), một chuyên gia phân tích lâu năm về tình hình khu vực, mới đây đặt vấn đề: “Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch chính trị thông qua Liên Hiệp Quốc và trong quan hệ ngoại giao để tìm kiếm sự đồng thuận cho tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan”. “Bắc Kinh đang đặt nền tảng pháp lý để cuối cùng sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan”, bà Glaser nhận định và kêu gọi chính quyền sắp tới của ông Donald Trump cần “ưu tiên ngăn chặn Bắc Kinh dùng sức mạnh quân sự để tiếp quản Đài Loan”.
Kế hoạch các bên
Tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn một báo cáo mật tiết lộ Trung Quốc đang nghiên cứu trường hợp của Nga về cách đối phó các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc đại lục tấn công quân sự Đài Loan, Washington và phương Tây chỉ có thể hỗ trợ vũ khí cho Đài Bắc đồng thời tiến hành trừng phạt Bắc Kinh. Vì thế, việc Trung Quốc nghiên cứu trường hợp của Nga có thể xem là một bước chuẩn bị cho kịch bản sử dụng sức mạnh quân sự để sáp nhập Đài Loan.
Trong khi đó, Đài Loan gần đây liên tục đẩy mạnh việc mua vũ khí để tăng cường khả năng phòng vệ. Đảo này đã được Mỹ thông qua gói khí tài về trang thiết bị, phụ tùng dành cho chiến đấu cơ F-16.
Đặc biệt, Đài Loan vừa có động thái hiếm hoi khi lực lượng phòng vệ đảo này sử dụng khuôn viên trường Đại học Đài Bắc để đào tạo quân dự bị nhằm chuẩn bị cho khả năng chiến tranh đô thị chống lại đại lục. Việc huấn luyện này có nghĩa là để chuẩn bị cho chiến tranh đô thị, trong khi trọng tâm của đào tạo trước đây là ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận các thành phố ở Đài Loan. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nhấn mạnh sự cần thiết của những chuẩn bị vừa nêu nhằm đảm bảo khả năng ứng phó các cuộc tấn công tiềm tàng của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có động thái tăng cường hỗ trợ phòng vệ cho Đài Loan. Cụ thể, Mỹ gần đây triển khai hệ thống pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) đến đảo Nansei của Nhật Bản. Vị trí này gần các đảo của Đài Loan. Khá nổi tiếng ở chiến trường Ukraine, HIMARS còn có khả năng phóng tên lửa ATACMS (có tầm bắn đến 300 km) chứ không chỉ khai hỏa các loại rốc két thường. Ngoài ra, ngày 24.11, Hãng thông tấn Kyodo đưa tin Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới biên soạn một kế hoạch quân sự chung để ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.
Mỹ, Nhật, Philippines tập trận ở Biển Đông
Báo The Philippine Star hôm qua (6.12) đưa tin lực lượng quân sự Mỹ, Nhật Bản và Philippines cùng ngày đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu tuần duyên Philippines BRP Andres Bonifacio, tàu khu trục Nhật JS Samidare và máy bay săn ngầm P-8 Poseidon. Theo thông báo từ quân đội Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa lực lượng quân sự 3 nước dựa trên các nền tảng hợp tác lẫn nhau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dai-loan-giua-noi-lo-bi-tan-cong-185241206234159476.htm