(NLĐO) – Mùa mưa lũ năm 2024 với sự biến động khó lường đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện công tác dự báo và phòng chống thiên tai.
Chiều 25-12, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tổ chức Hội thảo đánh giá về diễn biến lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhân sự của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ.
Theo báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong mùa mưa và lũ năm 2024, xuất hiện 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, thấp hơn mức trung bình nhiều năm qua.
Lượng mưa ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10, lượng mưa dao động ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Đặc biệt, lượng mưa lớn nhất trong mùa tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8 và 9, với đỉnh điểm vào tháng 9 do ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi).
Ông Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết công tác dự báo thời tiết hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những khó khăn này bao gồm tính phức tạp của hệ thống sông ngòi, tác động từ việc xây dựng các công trình thủy điện, tình trạng đô thị hóa làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, sự thiếu hụt dữ liệu quan trắc ở các vùng sâu vùng xa và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng mùa mưa lũ năm 2024 với sự biến động khó lường đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện công tác dự báo và phòng chống thiên tai. Theo ông, các biện pháp cần triển khai bao gồm đầu tư nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, đẩy mạnh công tác quan trắc, xây dựng mô hình dự báo chính xác hơn, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo khí tượng và cảnh báo sớm. Đồng thời, việc nâng cao ý thức cộng đồng về lĩnh vực này là cần thiết để tối ưu hóa khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, thời gian tới, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ sẽ ứng dụng dự báo mưa dựa trên dữ liệu Synop, phân tích và khảo sát tính khả thi để thực hiện dự báo lượng mưa tại các trạm tại Việt Nam cho ngày tiếp theo với ngày hiện hành; xây dựng mô hình AI để thực hiện dự báo lượng mưa.
Ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thông tin thêm rằng trong thời gian tới, Đài sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển các phương pháp dự báo dựa trên công nghệ AI bên cạnh việc duy trì các phương pháp truyền thống. Mục tiêu là nâng cao độ chi tiết và tính chính xác của dự báo đến từng địa điểm cụ thể.
Theo ông Tuấn, hướng đi này không chỉ nâng tầm chất lượng dự báo mà còn giúp thúc đẩy quá trình tự động hóa, hiện đại hóa công nghệ của đơn vị, góp phần giảm nhân lực và hỗ trợ hiệu quả sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/dai-khi-tuong-thuy-van-khu-vuc-nam-bo-se-dung-ai-du-bao-thoi-tiet-19624122517332564.htm