(Dân trí) – Chiến lược phát triển của Trường Đại học Thủy Lợi từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 là trở thành trường đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu có quy mô lớn, có thương hiệu trong nước và quốc tế.
Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Thủy Lợi diễn ra sáng nay, 16/11, tại Hà Nội. Sự kiện thu hút hàng nghìn cựu sinh viên, giáo viên của nhà trường qua nhiều thế hệ.
Trong diễn văn kỷ niệm, GS.TS Trịnh Minh Thụ – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi – ôn lại hành trình dài hơn 6 thập kỷ với nhiều thăng trầm và những mốc son đầy tự hào.
Năm 1959, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua quy hoạch xây dựng Học viện Thủy lợi – Điện lực trên khu đất rộng 26 ha thuộc thôn Khương Thượng và thôn Thái Hà, Hà Nội, lịch sử phát triển của nhà trường bắt đầu từ đây.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, thầy trò trường Thủy lợi phải sơ tán về vùng nông thôn ở Lục Nam và Hiệp Hòa, Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang. Trong gần 10 năm sơ tán, điều kiện dạy học và nghiên cứu khó khăn, thiếu thốn, nhà trường vẫn đào tạo ra các kỹ sư, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu xuất sắc cho đất nước.
Sau ngày giải phóng, xác định vai trò quan trọng của công tác thủy lợi, các cán bộ, giảng viên, tân kĩ sư và sinh viên năm cuối của nhà trường đi vào phía Nam theo chủ trương của Bộ Thủy lợi, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, quy hoạch, thiết kế các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.
Các cơ sở đào tạo này sau đã trở thành phân hiệu của Trường Đại học Thủy lợi.
Bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, Trường Đại học Thủy Lợi có bước chuyển mình mạnh mẽ với việc xây dựng chiến lược phát triển trường lần thứ 2, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của trường là trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu có quy mô lớn, là 1 trong 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý.
Với mục tiêu này, nhà trường liên tục xây dựng, cải tiến và phát triển chương trình đào tạo.
Từ việc chỉ đào tạo một số ngành, nay Trường Đại học Thủy lợi đã tuyển sinh 79 ngành, trong đó 41 ngành trình độ đại học, 23 ngành trình độ thạc sĩ và 15 ngành trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo của nhà trường hơn 26.000 sinh viên, học viên.
PGS.TS Trịnh Minh Thụ cho biết thêm, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ của trường đạt tới 61,3%.
5 năm trở lại đây, Trường Đại học Thủy lợi tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học. Số công bố quốc tế của trường giai đoạn 2020-2024 đạt gần 2.000, số đề tài nghiên cứu các cấp đạt hơn 100. Trong đó, nhiều đề tài góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước.
Đáng chú ý, trường liên tục triển khai các dự án quốc tế lớn như dự án an toàn đập Việt Nam – New Zealand, dự án phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo với Hà Lan, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học cho giảng viên kết hợp với Pháp…
Song song với mạng lưới hơn 150 đối tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, nhà trường phát triển mạng lưới đối tác doanh nghiệp rộng rãi, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, nâng cao tính thực tiễn, tính ứng dụng và cập nhật cho chương trình giảng dạy.
Thông qua mạng lưới này, sinh viên được học đi đôi với hành, tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường ngày một tăng qua các năm.
Cũng tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Trịnh Minh Thụ công bố 6 nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Thủy lợi trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong số đó là đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, sinh viên nghiên cứu khoa học, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường chỉ số công bố quốc tế, bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho giảng viên, học viên, sinh viên sẽ được chú trọng, tăng cường.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Thủy lợi sẽ xây dựng kịch bản tài chính bền vững chuẩn bị cho tự chủ đại học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-hoc-thuy-loi-se-la-truong-da-nganh-dinh-huong-nghien-cuu-20241116123541709.htm