Chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh – Generative AI Engineer Program (GenAI), chương trình đào tạo đầu tiên về trí tuệ nhân tạo tạo sinh tại Việt Nam – ra mắt ngày 15-6 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Tạ Hải Tùng, hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết khi ChatGPT ra đời đã cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Theo đó, năm ngoái trường mở phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu lĩnh vực này. Qua quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, trường thấy nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này rất lớn.
“Từ đầu năm 2024, chúng tôi quyết tâm tiên phong trong vấn đề đào tạo GenAI. Sau ba tháng làm việc liên tục vừa qua, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi xây dựng thành công chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù có thời hạn đào tạo chuẩn 1,5 năm, sinh viên theo học yêu cầu đã tốt nghiệp cử nhân các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, các ngành gần.
“Với chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh, chúng tôi không chỉ mong muốn đào tạo nguồn nhân lực từ cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn là các bạn cử nhân từ các cơ sở đào tạo khác trên cả nước có nhu cầu và mong muốn theo đuổi ngành nghề hứa hẹn trong tương lai”, ông Tùng nói.
Tại buổi ra mắt, TS Đinh Viết Sang – phó giám đốc trung tâm BKAI, điều phối viên chương trình đào tạo GenAI – cho biết theo thống kê, đầu tư vào GenAI trên thế giới năm 2023 là 25 tỉ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Quý 1-2024 đầu tư vào GenAI khoảng 7,5 tỉ USD, dự kiến đến cuối năm khoảng 45 tỉ USD.
“Đứng trước sự bùng nổ của GenAI, các công ty công nghệ, các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam đang đầu tư căn cơ về yếu tố con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI”, ông Sang nói.
Về nhu cầu nhân lực và tình hình đào tạo, theo báo cáo của CNBC, số lượng tìm kiếm việc làm về GenAI trên Indeed đã tăng gần 4.000% trong năm ngoái và số cơ hội việc làm về GenAI đã tăng 306% so với cùng kỳ tháng 9-2022. Công việc yêu cầu kỹ năng GenAI có lương cao hơn 47%.
Theo khảo sát Deloitte tháng 1-2024, có 45% CEO cho biết đang tích cực nâng cao và đào tạo lực lượng lao động của mình về AI; 44% đang tuyển dụng các công việc liên quan tới AI.
Theo khảo sát của TopDev, Việt Nam thiếu 200.000 trong tổng số 700.000 nhân lực công nghệ thông tin cần cho đến năm 2025.
“Hiện trên thế giới có hơn 1.000 trường đại học đào tạo chương trình liên quan khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, liên quan trực tiếp đến GenAI chỉ có hai đơn vị đào tạo là The Hong Kong Polytechnic University đào tạo chương trình thạc sĩ liên quan đến GenAI và Golden Gate University đào tạo trình độ tiến sĩ về GenAI trong quản trị kinh doanh.
Hiện chương trình đào tạo GenAI còn khá mới trên thế giới, tại Việt Nam chưa có đơn vị nào đào tạo chương trình GenAI”, ông Sang cho biết.
Ông Trần Hùng, nhà sáng lập GotIt – start-up công nghệ tại Thung lũng Silicon, Mỹ, cho rằng với cả thế giới GenAI còn rất mới, chưa có nhiều ứng dụng đưa ra thị trường. Vì vậy, nếu kỹ sư nắm chắc, xây dựng được các ứng dụng phục vụ nhu cầu xã hội, doanh nghiệp sẽ là đột phá.
“Tôi vui mừng vì Đại học Bách khoa Hà Nội nhanh chóng đưa ra chương trình này, đây là số ít chương trình chính quy trên cả thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam”, ông Hùng nói.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/dai-hoc-dau-tien-o-viet-nam-dao-tao-genai-20240615121159326.htm