Theo quyết định của Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Vật liệu và trường Hóa và Khoa học sự sống là 2 đơn vị trực thuộc được thành lập sau khi chuyển đổi mô hình nâng từ trường đại học lên thành đại học. Như vậy, cùng với 3 trường: Cơ khí, Điện – Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường trực thuộc.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, trường Vật liệu được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme và Compozit và Bộ môn Công nghệ In.
Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành đại học và sau đại học liên quan đến vật liệu truyền thống, các loại vật liệu mới, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của tất cả các lĩnh vực công nghiệp như: kỹ thuật, công nghệ chế tạo vật liệu, vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano…
Trường Hóa và Khoa học sự sống được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 Viện: Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Trường có trên 90% đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ và gần 40% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo những ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh: “Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới.
Đại học Bách khoa cần đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. Đại học tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam”.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7.985 chỉ tiêu hệ đai học chính quy, trong đó 15 – 20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85 – 90% xét tuyển theo điểm thi (kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đánh giá tư duy).
Mức học phí 23 – 29 triệu đồng/năm được Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng cho sinh viên chương trình chuẩn, tuyển sinh năm 2023 (tăng trung bình 1 triệu đồng/năm học so với mức đóng của năm học trước đó). Còn các chương trình chất lượng cao và liên kết nước ngoài có mức học phí dao động từ 33 – 90 triệu đồng/năm.
Hà Cường
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo