Cũng trong buổi lễ, các Nghị quyết chuyển chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng, Phó giám đốc Đại học, Thư ký Hội đồng và Kế toán trưởng cũng được công bố. Việc các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà trường được cơ quan chủ quản thống nhất và đồng bộ sẽ tạo đà cho sự phát triển chung của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tiềm lực và thành tích nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đã dần tiệm cận với chuẩn mực khu vực. Danh tiếng và vị thế của nhà trường từng bước được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Kết quả tuyển sinh hằng năm cho thấy Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là địa chỉ thu hút những học sinh ưu tú nhất của cả nước. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, người học để học tập, nghiên cứu, sáng tạo và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.
Tại lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định bổ nhiệm PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giữ cương vị Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; GS Lê Anh Tuấn, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chúc mừng bước phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc chuyển từ “trường” thành “đại học” là dấu ấn của sự phát triển, khi khuôn, vỏ, áo cũ đã trở nên chật hẹp, cần lột xác để phát triển. Tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn và thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật.
Giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng lưu ý, đơn vị cần xác định chặng đường đổi mới của mình. Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ. Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng “hữu đại”, phải xem đây là công cụ để giải phóng sức sáng tạo từ bên trong. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa. Đại học cần xác định về mặt tư tưởng; trả lời cho đúng và đầy đủ câu hỏi: Chuyển trường đại học thành đại học để làm gì và tại sao cần phải làm như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ phải là một cơ sở giáo dục, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Đứng trước cơ hội và định hướng mở rộng đa ngành, đại học cần xác định trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ và kỹ thuật và kỹ thuật cao. Trường không chỉ phát triển cho mình mà còn cho quốc gia nói chung và thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả khối các trường đại học, cao đẳng thuộc khối công nghệ, kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, đã được công nhận. Đây là việc cần thiết của việc quản lý các trường đại học và các đại học thời tự chủ cao”.
Thay mặt toàn thể cán bộ-viên chức, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Lê Anh Tuấn bày tỏ sự tri ân và cảm ơn các thế hệ Bách khoa, những người đã đặt nền móng, xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội; cảm ơn sự ủng hộ, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, GS Lê Anh Tuấn khẳng định đồng hành với những nhiệm vụ là các kế hoạch, chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng, tầm ảnh hưởng của các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kiên định với tầm nhìn và mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật, công nghệ; là trung tâm sáng tạo xuất sắc của khu vực; là nơi hội tụ các nhà học giả trong nước và quốc tế; là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tin, ảnh: THU HÀ