Nợ thuế khủng
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà thành lập ngày 8/9/2003 tại số 132, tổ dân phố số 6, Thị Trấn Diêm Điền, Huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình, đại diện pháp luật là bà Trần Tuyết Mai.
Đây là một trong gần 40 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu lớn của cả nước từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vài năm lại đây, ông lớn xăng dầu phía Bắc này liên tục nợ thuế khủng.
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đến nay nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Cục Thuế tỉnh Thái Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi cho ngân sách nhà nước.
Tính riêng trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 3 văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế của Hải Hà. Ngày 13/3, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Đến 18/5, cơ quan này tiếp tục yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Hải Hà.
Ngày 26/5, Tổng cục Thuế lại có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai áp dụng các biện pháp cưỡng chế ngay trong ngày 26/5.
Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).
Đến ngày 30/8, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh – Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai.
Bị ngân hàng cấn nợ cả tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Ngày 5/6/2023, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã có văn bản báo cáo về việc Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Doanh nghiệp khẳng định, việc thu nợ “không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà do không đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP”.
Đến ngày 31/8/2023, Bộ Tài chính đã phát công văn đề nghị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Long Biên nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95 của Chính phủ.
Cũng trong ngày 31/8/2023, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để thông tin về sự việc.
Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam – nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu – thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Sau nhiều tháng miệt mài đòi, tháng 11/2023 BIDV Chi nhánh Long Biên đã trả lại gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu cho Hải Hà vào đầu tháng 11.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá; cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ.
Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.
Điều này dẫn đến, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an Theo thông báo kết luận do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc. Một trong 3 vụ việc là “Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà”. |