CTCP FPT (FPT) vừa công bố thông tin mua Cardinal Peak, công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại Bắc Mỹ.

Với 20 năm hoạt động, Cardinal Peak cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện, bao gồm phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm di động cho hơn 300 công ty, trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, nội dung trực tuyến, robot, an ninh – an toàn, quốc phòng – hàng không vũ trụ.

Vì vậy, dù giá trị hợp đồng chưa được hé lộ nhưng đây được cho là thương vụ lớn. Với bước đi này, FPT kỳ vọng, Cardinal Peak sẽ giúp FPT tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.

Châu Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, với hệ thống 14 văn phòng ở Mỹ, Canada, Colombia, Costa Rica và Mexico. CEO FPT Nguyễn Văn Khoa kỳ vọng, thương vụ này sẽ giúp hai bên tạo ra những sản phẩm mới trên phạm vi toàn cầu.

Từ năm 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới. Năm 2022, FPT đầu tư chiến lược vào LTS, công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật.

Năm 2023, FPT mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International. Tháng 10 vừa qua, FPT công bố trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI, công ty phần mềm thị giác máy tính và AI của Mỹ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đạt 17.626 tỷ đồng, tăng 30,9%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.878 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 20.700 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2% do với cùng kỳ. Trong đó, có 20 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* PDR: HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (KCN Phát Đạt). Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn 130% mệnh giá, tương đương khoảng hơn 1.297 tỷ đồng.

PLC: Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. PLC giảm 6% doanh thu tiêu thụ về 8.396 tỷ đồng mặc dù chỉ tiêu sản lượng vẫn được giữ nguyên. Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm 30% còn 112 tỷ đồng.

* CII: CTCP Năm Bảy Bảy thông qua chủ trương ký hợp đồng vay vốn với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM, giá trị vay vốn không vượt quá 940 tỷ đồng, thời gian vay trung hạn. Mục đích vay vốn để hoàn vốn đầu tư dự án và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

SLD: CTCP Địa ốc Sacom (Samland) ghi nhận lỗ 4,46 tỷ đồng trong quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ 19,4 tỷ đồng.

GIL: CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh công bố BCTC hợp nhất quý III với khoản lỗ 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 129 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 doanh nghiệp thua lỗ.

BMP: Ngày 21/11, CTCP Nhựa Bình Minh chốt đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2023 tỷ lệ 65% mệnh giá (1 cổ phiếu được nhận 6.500 đồng). Ngày thực hiện 12/12.

APG: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Chứng khoán APG số tiền 85 triệu đồng do vi phạm quy định về ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân.

AAS: CTCP Chứng khoán SmartInvest chốt ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (tương ứng mỗi 100 cổ phiếu nhận về 15 cổ phiếu mới) là 15/11. AAS dự kiến phát hành mới gần 30 triệu cổ phiếu.

KDC: Ông Nguyễn Gia Huy Chương, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kido đăng ký bán ra toàn bộ 13.200 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 8/11-6/12.

VPB: Sumitomo Mitsui Banking Corporation báo cáo mua vào gần 1,2 triệu cổ phiếu VPBank, nâng sở hữu lên 15,005% vốn, qua đó trở thành cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện trong phiên 30/10.

VN-Index

Chốt phiên 6/11, VN-Index tăng 12,88 điểm (+1,2%), lên 1.089,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 692,79 triệu đơn vị, giá trị 14.079,18 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,85%) lên 219,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 76,17 triệu đơn vị, giá trị 1.303,66 tỷ đồng.

UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,06%), lên 85,05 điểm với 184 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,71 triệu đơn vị, giá trị 395 tỷ đồng.

Nhận định thị trường, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên cho thấy phe mua tiếp tục chiếm ưu thế và để ngỏ cơ hội mở rộng nhịp hồi phục trong các phiên tiếp theo.

Xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm phải đối mặt với áp lực điều chỉnh trở lại quanh ngưỡng kháng cự đáng lưu ý 1.095 (+/-10) điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi và bán hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn trong các nhịp hồi sớm.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các nhà đầu tư có thể giải ngân thêm từ 10-20% đối với những cổ phiếu đang khả dụng trong tài khoản thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt như ngân hàng, thép.

Vietnamnet.vn