Xã Đại Dực nằm ở phía Đông Bắc của Tiên Yên, cách trung tâm huyện khoảng 23km. Đại Dực hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Sán Chỉ chiếm tỷ lệ 83,3%. Cảnh quan thiên nhiên với hệ thống ruộng bậc thang, thác nước đầy quyến rũ, là cơ hội để địa phương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Một trong những sự thay đổi rõ nét, giúp cho xã Đại Dực tự tin phát triển du lịch cộng đồng là hạ tầng giao thông. Đến Đại Dực bây giờ đường sá đi lại thông thoáng hơn rất nhiều, không còn cảnh lầy lội, di chuyển khó khăn như trước. Chính điều này đã giúp cho khách du lịch đến với địa phương năm sau đều cao hơn năm trước.
Chị Hoàng Thị Đạo, cán bộ văn hóa xã Đại Dực, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã còn giữ được một số ngôi nhà trình tường đất mang đậm lối kiến trúc của người Sán Chỉ. Điển hình là ngôi nhà của ông Nình A Liềng ở thôn Khe Lục. Đây là ngôi nhà còn giữ được gần như nguyên trạng, với hệ thống tường rào bằng đá được xếp đặt hết sức tinh xảo, đẹp.
Chúng tôi mất hơn 30 phút mới tới được ngôi nhà của ông Nình A Liềng. Ngôi nhà nằm khá cách biệt với khu dân cư xung quanh, không gian thoáng đãng, mát mẻ giúp cho du khách quên đi cái ồn ào khu phố thị.
Ông Nình A Liềng cho biết: Ngôi nhà này được làm từ năm 1969 và chủ yếu được làm từ gỗ, bao gồm từ khung cột, vách ngăn, kèo. Sàn nhà cao hơn mặt đất 0,3-0,5m. Gian chính giữa dùng để tiếp khách và ngăn thành nhiều phòng ngủ. Tiếp sau các phòng ngủ, bếp được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và đồ dùng được làm bằng tre nứa. Ngoài khu nhà chính, ngôi nhà còn có hai chái nhà ở hai bên.
Chiều sâu ngôi nhà của người Sán Chỉ trung bình là 5-9 hàng cột, mỗi hàng cột cách nhau 2,5-3m. Các hàng cột được nối với nhau bằng chốt đầu vì kèo vì cột và được làm bằng gỗ. Để gỗ không bị cong vênh và có độ bền cao thì phải ngâm trong ao bùn 1-3 năm, sau đó phơi khô rồi mới làm cột nhà. Chính vì vậy, dù trải qua bao năm tháng, nhưng những cột gỗ trong ngôi nhà của người Sán Chỉ vẫn vững chãi, cùng với khói bụi bếp củi bám vào nên không bị mối mọt.
Do được bao quanh bởi đồi, núi, nên Đại Dực có nhiều khe suối lớn nhỏ bắt nguồn từ trên cao đổ về. Có thể kể đến như thác Nặm Văm cao hơn 30m, thác Cô Bảy cao trên 40m, thác Khe Lục Mỷ cao hơn 50m, hay thác Á Chu Lan cao hơn 60m. Đây là những địa điểm tuyệt vời để du khách dùng chân, chụp ảnh kỷ niệm.
Cùng với hệ thống khe suối, xã Đại Dực còn nhiều núi, đồi nổi tiếng. Nằm cách thác Nặm Văm khoảng 200m ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200ha rừng thông, đây là nơi trai, gái Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng cọ.
Nhờ trồng lúa trên các sườn đồi xung quanh xã, người dân nơi đây đã tạo ra một hệ thống ruộng bậc thang cực kỳ đẹp mắt. Đây là điểm check-in mà du khách rất ưa chuộng, ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt sau thành công của Lễ hội Văn hóa, thể thao Sán Chỉ năm 2020 với chủ đề “Mùa vàng miền Soóng cọ”.
“Trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, các địa điểm du lịch của xã Đại Dực đón gần 1.000 lượt du khách đến tham quan. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng đối với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Hiện tại, chúng tôi cũng đã có hướng đầu tư, khuyến khích phát triển thêm nhiều địa điểm khác, đặc biệt là tuyên truyền người dân không xâm phạm hoặc phá vỡ cảnh quan, nhằm bảo tồn các công trình được xây dựng, cũng như cảnh quan tự nhiên” – chị Hoàng Thị Đạo cho biết thêm.