20:09, 02/06/2023
BHG – Chiều 2.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tập trung tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận |
Theo đại biểu Vương Thị Hương, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh cũng như tạo điều kiện cho người Việt Nam, người nước ngoài trong việc xuất, nhập cảnh, cư trú. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai 2 luật trên đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Vì vậy, đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật này. Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các dự án luật, đại biểu kiến nghị:
Trong dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ sở lưu trú yêu cầu người nước ngoài khai báo tạm trú và thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài khi nghỉ tại các cơ sở lưu trú; và quy định trách nhiệm của người nước ngoài cung cấp thông tin hộ chiếu, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam. Việc bổ sung quy định này sẽ phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong công tác quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài. Tuy nhiên thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp người nước ngoài không nghỉ tại các cơ sở lưu trú cụ thể mà nghỉ tại các nơi công cộng (ngủ lều, bạt, hoặc hang động). Trong trường hợp này việc thực hiện khai báo tạm trú đối với người nước ngoài thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào?
Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về khai báo tạm trú đối với việc người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng tránh trường hợp bỏ sót và kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (nếu có), đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế, truy nã của các nước… góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đối với quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong dự thảo luật hiện quy định chỉ có công an cấp xã mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Theo đại biểu, quy định này chưa đáp ứng với các chính sách đã có, chưa đồng bộ với các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong quản lý cư trú người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong khai báo tạm trú và trách nhiệm trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của người nước ngoài trong dự thảo luật để đảm bảo tính tương thích với Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tránh tình trạng sửa luật này xong lại phải sửa đổi nhiều luật khác.
Đối với các nội dung có liên quan nhưng chưa quy định trong dự thảo luật, theo đại biểu, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang nước khác, chưa thôi quốc tịch Việt Nam nhưng nay lại nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu của nước khác.
Ngoài ra, theo một số quy định hiện hành, người nước ngoài khi đi vào khu vực biên giới phải có giấy phép của cơ quan Công an. Tuy nhiên, thực tiễn về vị trí đị lý phát sinh trường hợp trước khi người nước ngoài đi đến các địa điểm nội địa để tạm trú phải đi qua địa phận biên giới, do vậy người nước ngoài sẽ phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp “Giấy phép vào khu vực biên giới” trước khi đi đến vùng nội địa lưu trú (dù không thuộc khu vực biên giới). Từ thực tiễn trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cần có quy định cụ thể về việc cấp giấy phép vào khu vực biên giới đối với người nước ngoài đi qua khu vực có cắm biển “khu vực biên giới” để vào khu vực xã, thị trấn nội địa tạm trú.
Duy Tuấn (Tổng hợp)