Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) quan tâm đến quy định về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô. Theo đó, dự thảo luật bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo.
Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đồng tình với dự thảo luật, ủng hộ biện pháp cắt nước, cắt điện tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Theo ĐB, khi sửa luật về xử lý vi phạm hành chính, TPHCM đã từng có nhiều ý kiến đề nghị sử dụng biện pháp này khi người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Nhưng khi đó, nhiều ĐB cho rằng việc này ảnh hưởng đến quyền con người.
“Ngừng cung cấp điện để không xảy ra tình trạng vi phạm của doanh nghiệp, chứ không phải ngừng cung cấp điện cho hộ dân. Khi Hà Nội đề xuất bổ sung biện pháp này, tôi hoàn toàn đồng ý. Ở đây phân định rất rõ việc ngừng cung cấp để ngăn xảy ra hành vi vi phạm, chứ không phải ngừng gây ảnh hưởng đến người dân”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu ý kiến.
Một trong nội dung của dự thảo luật là quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) quan tâm đến mô hình thành phố trong thành phố Hà Nội. Nhưng ĐB cho rằng, quyền hạn của mô hình này trong dự thảo luật còn mờ nhạt, chủ yếu dừng ở tổ chức bộ máy.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC |
Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu phân cấp mạnh hơn, giao thêm nhiệm vụ cho mô hình thành phố trong thành phố. “Báo cáo thẩm tra nói mô hình đó chưa có ở Hà Nội nên cần có thời gian, nhưng tôi nghĩ thể chế cần đi trước một bước. Thực tiễn ở TPHCM đã có, đó là TP Thủ Đức, Hà Nội cần mạnh dạn hơn trong việc thực hiện mô hình này”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu.
ĐB cũng cho rằng, thành phố Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại TPHCM và thành phố Đà Nẵng (không tổ chức HĐND ở quận và phường), vì 2 nơi này đã triển khai có hiệu quả. TPHCM không phải thí điểm nữa mà đã được thực hiện chính thức.
ĐB Nguyễn Minh Minh Đức (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cho rằng, Hà Nội vẫn duy trì HĐND quận, nên chăng nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của TPHCM, Đà Nẵng.
Về thu hút nhân lực cao cho Hà Nội, ĐB Nguyễn Minh Hoàng góp ý cần có cơ chế đủ mạnh, để bảo đảm ai xuất sắc sẽ được lựa chọn. Bên cạnh đó, nên xây dựng văn hóa người Hà Nội. Về phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, dự thảo luật vẫn chung chung, chưa có gì rõ ràng, dự thảo luật cần hoàn thiện thêm.
ĐB Nguyễn Minh Minh Đức (TPHCM) nêu trăn trở về về thực trạng giao thông thủ đô hiện nay, dân số quá tải, hạ tầng giao thông quá eo hẹp. Do đó, luật phải đưa ra được cơ chế để bứt phá. Phải hướng tới như thủ đô các nước là đưa dân vào các khu đô thị, dành đất cho công viên cây xanh, như thế mới phát triển được. Cần phát triển hệ thống metro nhưng hiệu quả của đường trên cao hiện nay chưa được đánh giá đầy đủ, do đó cần quan tâm nội dung này. Quy hoạch Hà Nội cũng cần tính tới Luật Quy hoạch, Luật Đất đai sửa đổi để bảm đảm không còn sự nhếch nhác, thiếu đồng bộ.
ĐB Nguyễn Minh Đức cũng nêu, thủ đô có trách nhiệm với các tuyến trung ương chữa bệnh cho người dân khắp mọi miền đất nước. Giải quyết bài toán này rất khó khăn, muốn vậy phải có nhiều đội ngũ y tế hơn, giải phóng đền bù để có đất xây bệnh viện. Dự thảo luật cần phải bổ sung cụ thể hơn các cơ chế, trong đó có cơ chế liên kết phát triển vùng Thủ đô. Phải đề ra lộ trình, tính toán quy hoạch vùng, các tỉnh giáp ranh Hà Nội gắn với đặc thù, năng lực phát triển kinh tế. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu thật chín để thể chế hóa trong luật. Nếu chỉ xoay quanh các vấn đề về mô hình bộ máy, tổ chức hành chính… như các tỉnh thành có cơ chế đặc thù khác thì khó đạt mục tiêu xây dựng, phát triển thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết.