Sáng 28.11, thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Phần lớn các ý kiến đều chung quan điểm, rằng các vụ việc bỏ cọc đấu giá xảy ra thời gian qua đã và đang gây hệ lụy xấu cho xã hội nói chung và hoạt động đấu giá tài sản nói riêng.
Có nên xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá?
Để ngăn chặn bỏ cọc đấu giá, một số đại biểu đề nghị nâng mức tiền đặt trước lên tối thiểu 20% giá trị tài sản; cùng đó là xây dựng chế tài xử phạt hành chính đối hành vi bỏ cọc đấu giá, cấm tham gia đấu giá ở các lần tiếp theo…
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc), việc nâng mức tiền đặt trước một mặt có thể tạo ra rào cản đối với hành vi bỏ cọc đấu giá, nhưng ngược lại sẽ thu hẹp người tham gia đấu giá. Đưa ra giải pháp hài hòa hơn, ông Tiến đề nghị phạt hợp đồng đối với người trúng đấu giá đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, mức phạt từ 30 – 50% giá trị hợp đồng.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) gợi ý tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. “Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua”, ông Thanh nói.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng cần cân nhắc việc áp dụng chế tài đối với hành vi bỏ cọc đấu giá. Bởi lẽ, đấu giá là quan hệ dân sự, “trong mọi trường hợp cần tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá”.
Vị đại biểu tỉnh Bắc Giang đề xuất điều chỉnh quy định về mức tiền đặt trước. Ví dụ, khi nào bước giá được trả cao gấp 2 lần giá khởi điểm thì tiền đặt trước sẽ điều chỉnh cao hơn và lặp lại mỗi khi mức giá trả cao gấp 2 lần tiếp theo. “Tuy nhiên, quy định này chỉ nên áp dụng với tài sản nhà nước đưa ra đấu giá, còn các loại tài sản khác thì không áp dụng”, ông Thịnh lưu ý.
Ngoài ra, đại biểu Thịnh cũng đề nghị rút ngắn thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính và hủy kết quả đấu giá. Quy định như hiện hành, lần lượt là 90 ngày và 120 ngày, là quá dài, tạo cơ hội cho các hành vi trục lợi. “Theo lẽ thường, người mua phải chuẩn bị tiền, nếu mua được thì phải trả ngay, ai lại mua được nhưng trả sau, mà không trả thì phải đợi 6 tháng sau Nhà nước mới hủy kết quả. Thực sự là không phù hợp”, ông nói.
Áp dụng nguyên lý “phù hợp với thông lệ quốc tế”
Giải trình ý kiến của các đại biểu, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo, nhấn mạnh đến nguyên lý được áp dụng xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật Đấu giá tài sản sửa đổi, đó là “phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Theo bộ trưởng, luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức, vì thế không để điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, gồm xác định giá khởi điểm, điều kiện tham gia đấu giá, rồi bán đấu giá thành thì xử lý theo quy định nào… Những nội dung này đều phải tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Về đề nghị nâng mức tiền đặt trước, ông Long dẫn chứng thông lệ quốc tế, cho thấy có trường hợp còn không quy định tiền đặt trước. Bởi lẽ, mục đích đặt ra là bán tài sản, kể cả giá khởi điểm là 0 đồng, và thu được càng nhiều tiền thì càng tốt.
Đối với các đề xuất liên quan đến chế tài xử lý hành vi bỏ cọc đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng sâu sắc hơn nữa. Những gì còn có thể siết chặt hơn trong các quy định pháp luật chuyên ngành thì sẽ tiếp tục góp ý, hoàn thiện.
Người đứng đầu Bộ Tư pháp cho hay, cơ quan soạn thảo cũng đã tính đến việc xử lý vi phạm về mặt tài chính đối với một số vụ việc cụ thể như bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, bỏ cọc đấu giá các mỏ cát ở An Giang hoặc Hà Nội…
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để đảm bảo sự ngay tình và khả thi, ngoài tính chặt chẽ đến từ quy định pháp luật thì cũng cần có các yếu tố khác như đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề và trách nhiệm của người quản lý… trong đấu giá tài sản.