Quang cảnh Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND
– Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND).
Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tính chất đặc thù của lực lượng CAND thì cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND cho phù hợp. Ngoài ra, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật CAND năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn gặp khó khăn, bất cập. Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND còn một số vướng mắc.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.
Qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ cho thấy, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp 3 ý kiến. Trong đó, đối với chính sách phong tướng trước thời hạn, đại biểu cho rằng, chính sách về xét thăng cấp, bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan CAND khi có thành tích đặc biệt xuất sắc là thực sự cần thiết và có ý nghĩa, trong thời điểm hiện tại, chính sách này thực sự phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc, đạt được trong chiến đấu, công tác vào trong khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật, mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với việc bổ sung một số cấp phó có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng như tại điểm a khoản 3 Điều 1 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sự cần thiết và cơ sở thực tiễn về việc bổ sung một số vị trí cấp phó có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng như được trình bày trong Dự thảo Luật.
Về đối tượng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Lưu Bá Mạc đồng tình dự thảo quy định về tăng 2 tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như quy định tại Bộ Luật Lao động đối với các cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, Cấp úy và Hạ sĩ quan. Qua đó nhằm đảm bảo sự công bằng, theo lộ trình tăng tuổi hiện hành và tránh sự đột ngột. Đồng thời cũng đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên, thường xuyên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong môi trường nặng nhọc, độc hại.
Trong sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với tỷ lệ 90,28% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Theo chương trình, buổi chiều Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.