Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn mong khán giả ủng hộ “Đất rừng phương Nam” nói riêng, phim khai thác chất liệu sử Việt nói chung.
Trong phiên thảo luận quốc hội ngày 24/10, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nói về vấn đề “xâm lăng văn hóa”, khi nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài tràn vào Việt Nam, khiến cho một bộ phận công chúng say mê lịch sử nước ngoài, lãng quên sử Việt.
Nhiều bộ phim, bài hát, truyện tranh không phù hợp với văn hóa và các giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc đã tiếp cận nhiều khán giả, độc giả, làm hình thành nhận thức, suy nghĩ, lối sống xa lạ. Điều này có thể tạo ra nguy cơ lãng quên lịch sử, khiến văn hóa dân tộc trở thành bản sao mờ của các nền văn hóa khác.
Từ vấn đề này, đại biểu Quốc hội mong muốn các nghệ sĩ có những sản phẩm văn học, nghệ thuật của người Việt Nam, dẫn lối cho sự tự tin, niềm tự hào dân tộc, hội nhập vững chắc với thế giới.
Khó khăn của các nhà làm phim hiện nay cũng được nêu ra. Đó là việc cân bằng sự tôn trọng lịch sử với sáng tạo nghệ thuật, để lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi, thu hút khán giả hơn. Ngoài ra, những trong lĩnh vực sáng tạo còn phải cân bằng đánh giá của công chúng, với rất nhiều ý kiến trái chiều, nhất là trên không gian mạng rộng lớn.
Một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo hành lang tự do cho văn hóa nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận một cách thoáng hơn, được lắng nghe theo cách tích cực nhiều hơn, và được ủng hộ nhiều hơn. Có được điều đó, văn nghệ sĩ mới dám xả thân vì nghệ thuật, vì những giá trị cao đẹp của cuộc sống.
Nêu cụ thể về trường hợp phim Đất rừng phương Nam gây tranh cãi thời gian qua, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng câu chuyện này không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là quan điểm và cách làm phim, phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà. Đại biểu Quốc hội nêu thực tế là khán giả trong nước có thể khen nhiều phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc hấp dẫn. Nhưng những phim như vậy nếu làm ở Việt Nam chắc chắn gây ra nhiều tranh luận, khó thoát khỏi búa rìu dư luận.
Đại biểu mong muốn những tranh luận vừa qua không làm nản chí các nghệ sĩ tâm huyết khai thác đề tài lịch sử, khiến cho họ không còn dám làm dòng phim quan trọng đối với đất nước.
“Khai thác chất liệu đó giúp chúng ta kể được lịch sử, hình ảnh đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam cho khán giả trong nước và quốc tế, khẳng định vị trí và tầm vóc của dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước. Tôi cũng mong sự ủng hộ của khán giả đối với phim Đất rừng phương Nam nói riêng, điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác chất liệu lịch sử”, ông Sơn nêu quan điểm.
Đất rừng phương Nam ra rạp từ 13/10, bị chỉ trích “làm sai lệch lịch sử”. Hôm 16/10, phim chiếu bản chỉnh sửa, tên Nghĩa Hòa đoàn được chỉnh thành Nam Hòa đoàn, Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội trong khoảng ba, bốn câu thoại. Nhà sản xuất được giới chuyên môn nhận định đã tích cực cùng Cục Điện ảnh thẩm định, sửa chi tiết gây tranh cãi.
Phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và phim Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Câu chuyện xoay quanh An (Hạo Khang) – cậu bé lưu lạc ở miền Tây trên đường tìm cha, ở bối cảnh đầu thế kỷ 20. Đạo diễn Quang Dũng cho biết đã hoàn thành kịch bản cho phần hai, đang tìm bối cảnh.
Vnexpress.net