Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng quê quán là thông tin quan trọng phản ánh nhân thân, lai lịch nên đề nghị ban soạn thảo tiếp tục thể hiện trên căn cước công dân.
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) chiều 22/6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) băn khoăn khi dự thảo đề xuất bỏ thông tin về quê quán của công dân trên căn cước. Điều này không phù hợp và mâu thuẫn với chính nội dung trong Điều 3 của dự thảo, nêu định nghĩa căn cước công dân “là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”.
“Quê quán cũng là thông tin quan trọng về nhân thân, lai lịch giúp nhận diện con người và phục vụ trong các giao dịch hàng ngày”, bà nói, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc không bỏ mục thông tin quê quán trên căn cước.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) cho rằng thông tin về công dân như quê quán đang có ý kiến khác nhau và chưa rõ ràng. “Ghi là quê quán, hay quê của bố nhưng bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài sinh sống 3-5 đời hoặc lâu hơn nữa thì ghi thế nào? Rất nhiều người lúng túng nội dung này khi khai báo cho con cháu mình”, ông Trí nói.
Đại biểu Hà Nội đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, hướng dẫn công dân khai báo quê quán sao cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán, đảm bảo thông tin rõ ràng, dễ khai, dễ quản lý.
“Lúc tôi đang còn nhỏ, các mục này đều có cả, nhưng dần dần về sau bị mất đi. Cần phải khai đủ vì 4 mục này có thể giống hoặc khác nhau, không nên rút gọn lại”, ông Trí nói.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội ngày 2/6. Dự luật đề xuất trên thẻ căn cước bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú. Cải tiến này theo Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi và đảm bảo tính riêng tư; thông tin người dân được khai thác qua chíp điện tử.
Thay nơi thường trú thành nơi cư trú được Chính phủ cho là phù hợp thực tiễn vì nhiều người hiện chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại. Với quy định này, tất cả người dân đều đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước; đảm bảo quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Việc cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo nhu cầu của người dân. Khi chưa có điều kiện đổi thẻ căn cước mới, công dân có thể tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (miễn phí trên ứng dụng VNeID) để làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Ý kiến khác nhau về việc đổi tên thành Luật Căn cước
Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước nhằm bổ sung đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam chưa có quốc tịch.
Theo bà, số lượng người trong diện này nhiều ở các tỉnh phía Nam, người dân không có giấy tờ tùy thân để tham gia vào các quan hệ xã hội, dân sự. Vì vậy, việc đổi tên luật là chính sách nhân văn và phù hợp, giúp người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hỗ trợ xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) nói Luật Căn cước công dân ban năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng để quản lý dân cư. Tên gọi căn cước công dân đã quen thuộc, trong sử dụng không có gì bất cập. “Đề nghị Chính phủ giải trình rõ, có tính thuyết phục cao”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị không thay đổi tên luật bởi tên hiện tại đã đầy đủ, rõ nghĩa và trong sáng.
Kết luận cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, có 34 đại biểu đồng ý đổi tên thành Luật Căn cước; 3 người đề nghị đánh giá rõ tác động và 38 ý kiến đề nghị giữ tên Luật Căn cước công dân như cũ.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023.