Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 9-6-2023.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre có 3 đại biểu tham gia phát biểu gồm: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Võ Văn Hội; Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy và Phó trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi.
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh từ việc thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cao hơn và để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề cụ thể.
Tại điểm a, khoản 3 và điểm d, khoản 5, Điều 5, dự thảo Luật quy định các công trình “do chế độ cũ xây dựng”, đại biểu Võ Văn Hội đề nghị thay cụm từ “do chế độ cũ xây dựng” bằng cụm từ “do lịch sử để lại” vì những công trình này có thể do ông cha ta để lại, hay do chúng ta xây dựng trong chiến tranh (như hầm, hào, lô cốt…) và cũng có thể do chế độ cũ xây dựng, do đó, sử dụng cụm từ “do lịch sử để lại” sẽ mang tính khái quát và phù hợp hơn. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào công trình quốc phòng và khu quân sự loại D công trình “khu tăng gia sản xuất và làm kinh tế” để phù hợp với chức năng của quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất.
Tại Điều 6 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm các phương tiện bay xâm nhập vào khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Về thống kê, kiểm kê công trình quốc phòng và khu quân sự, Điều 13 dự thảo Luật quy định: “Kiểm kê được thực hiện vào cuối kỳ kế toán năm”, đại biểu cho rằng các công trình quốc phòng và khu quân sự là các tài sản cố định nên không nhất thiết phải kiểm kê hàng năm, đề nghị khoảng 3 năm tiến hành kiểm kê một lần. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 9-6-2023.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng: Quy định về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 khá nhiều và khó phân biệt, khó theo dõi, có thể gây nhầm lẫn trong đọc hiểu cũng như trong áp dụng luật. Đại biểu đề nghị nên phân loại thành từng mục, dưới mục là các điều quy định cho mỗi nhóm, từng nhóm quy định cụ thể về loại công trình, ranh giới, bảo vệ, quản lý như thế nào, ai là người quản lý, bảo vệ…cho cụ thể. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai (về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích đất quốc phòng), Luật Xây dựng…để quy định cho thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 9-6-2023.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng cho rằng quy định về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 khá nhiều, phức tạp, chồng chéo, khó viện dẫn và áp dụng, đề nghị rà soát lại và quy định cho tách bạch, rõ ràng hơn. Tại điểm d, khoản 2, Điều 20 dự thảo Luật quy định lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng có quyền “Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, tạm cấm đường để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm an toàn cho người, tài sản trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự theo quyết định của người chỉ huy cấp trung, lữ đoàn và tương đương trở lên. Trường hợp do yêu cầu cấp bách thì người thực hiện nhiệm vụ có thể áp dụng các biện pháp này, nhưng ngay sau đó phải báo cáo cấp có thẩm quyền để ra quyết định bằng văn bản”. Đại biểu đề nghị nên quy định rõ trường hợp như thế nào được xem là “trường hợp cấp bách” để đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác, tránh tùy nghi.
Tin, ảnh: Ái Thi