Trải qua mấy thập kỷ nhà ống, rất khó để xử lý
Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ quan tâm vấn đề phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô, có sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử đô thị hiện đại.
Về cải tạo chung cư cũ, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất tốt, đặc biệt là trước tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy đây là vấn đề cấp thiết, bức xúc cần thực hiện.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, vấn đề quy hoạch lại thành phố phải cần chú ý “có đường rộng mà đi”, có đường thông thoáng để phòng khi có sự cố cháy nổ hay các sự cố nghiêm trọng. Đại biểu nhấn mạnh, điều này phải tìm mọi cách để thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu Trí cũng đặt vấn đề phải làm sao để không còn nhà ống ở Hà Nội, khẳng định nội dung này cần phải bàn bạc với người dân, tạo được sự đồng thuận cao.
“Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, đến bây giờ rất khó để xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội xem videoclip về quy hoạch phát triển Thủ đô. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Về vấn đề đường trên cao, đại biểu đề nghị chỉ phát triển ở vùng ngoài, còn ở trong phố, những nơi đông đúc thì hạn chế tối đa, có thể kể đến như phố cổ, phố nhiều nhà cao tầng hiện đại. Nếu làm đường trên cao sẽ ngăn hẳn tầm nhìn, làm xấu đi tuyến phố.
Về quy hoạch hệ thống y tế của Thủ đô, đại biểu Trí nhấn mạnh, đây là quy hoạch không chỉ cho người dân Thủ đô mà là quy hoạch cho cả vùng miền, thậm chí là của cả quốc gia.
Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung tại Hà Nội. Do vậy, các bệnh viện lớn, đặc biệt chuyên khoa thì nên tập trung cao độ, thậm chí nên có trung tâm y khoa, viện chuyên khoa để phối hợp.
Quy hoạch Thủ đô phải mang các yếu tố hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Góp ý về nội dung quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác chỉ cho một địa phương. Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cho Thủ đô cả nước nên phải mang các yếu tố hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước.
Theo đại biểu, Hà Nội cần phải tập trung giải quyết vấn đề nút thắt lớn nhất là giao thông, đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt nội đô, mạng lưới đủ để sử dụng đường sắt, khi đó sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông.
Theo ông Cường, khi mạng lưới đường sắt kết nối sẽ giãn dân, đặc biệt kết nối các tỉnh vùng Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam… và xây dựng các khu đô thị vệ tinh.
“Khâu kết nối cần được ưu tiên đầu tiên, khi ấy người dân ở sẽ tự động chuyển ra khỏi các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng để ra các khu vực nhà ở cao tầng ngoại thành”, ông Cường nói.
Theo đại biểu, cần quy hoạch các khu dân cư gắn với khu thương mại, dịch vụ và không gian ngầm, kết nối mạng lưới giao thông đường sắt, giao thông công cộng.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Liên quan đến trục cảnh quan sông Hồng trong đồ án quy hoạch, đại biểu Cường cho rằng: Hà Nội lấy sông Hồng làm không gian cảnh quan, trục không gian trong tương lai thì cần xây dựng con đường di sản ven sông Hồng từ đó kết nối các khu đô thị, chuỗi đô thị.
Ông Cường cũng lưu ý Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho người dân phố cổ di chuyển ra ngoại thành với quan điểm là không thu hồi nhà ở, vẫn bảo toàn tài sản của họ, chỉ hỗ trợ Nhà nước-người dân kết hợp khai thác kinh doanh dịch vụ thương mại.
“Cho nhà đầu tư vào cải tạo các khu phố cũ, phố cổ để các khu vực này trở thành trung tâm lưu trú, khai thác kinh tế ban đêm. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác khu vực ở quanh hồ Hoàn Kiếm, cần nhân rộng mô hình kinh tế ban đêm ra 36 phố phường”, đại biểu Cường đề xuất.
Không có cơ chế đột phá, Hà Nội bao giờ mới xong 14 tuyến đường sắt?
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Góp ý vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Hà Nội cần có cơ chế để hoàn thành cho được 14 dự án, tuyến đường sắt.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay thành phố làm một dự án đường sắt mất 12-15 năm, trong khi đó theo quy hoạch thì năm 2035 sẽ phải hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị, do đó nguy cơ không thể thực hiện được.
“Hà Nội có quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, số vốn cần khoảng 40 tỷ USD và trước năm 2035 Hà Nội phải hoàn thành các tuyến đường này, tức là còn 11 năm nữa. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mất trung bình từ 12-15 năm để hoàn thành một dự án đường sắt. Nếu không có cơ chế đột phá, bao giờ chúng ta mới hoàn thành?”, ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại.
Bộ trưởng nêu rõ, Hà Nội cần xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng để ưu tiên việc gì làm trước, việc gì làm sau để hoàn thành kế hoạch xây dựng đường sắt mà Bộ Chính trị giao.
“Hà Nội phải xây dựng kế hoạch khả thi nhất, trong đó có các cơ chế đi kèm, thứ tự ưu tiên làm sao, thế mới có được một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.
Bộ trưởng cũng nhận xét, quy hoạch đã định hướng tổ chức không gian phát triển sông Hồng trở thành không gian sinh thái văn hóa, kinh tế và là nơi thể hiện được các biểu tượng phát triển của Thủ đô, trong đó lấy trục sông Hồng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo và điểm nhấn quan trọng của vùng Thủ đô, vùng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.
Mặc dù vậy, việc nghiên cứu cũng cần phải hóa giải xung đột trong phương án quy hoạch của trục sông Hồng để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch khác, như về chống lũ, về đê điều đã được Thủ tướng phê duyệt.
Để quy hoạch thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải rà soát để xem xét tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch để tránh xung đột và mâu thuẫn lại phải “trả giá” hoặc phải điều chỉnh rất bất cập.
Xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững, cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.
Theo Bộ trưởng, điểm mới có của đồ án lần này xuất phát từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá để điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô phù hợp với Quy hoạch Thủ đô.
Ngoài ra, đồ án cũng kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị, với cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị là vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía đông, vùng đô thị phía bắc, vùng đô thị phía tây, vùng đô thị phía nam và hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh cũng như liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.
Thứ tư, trong đồ án lần này đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn. Với đồ án lần này, đã xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô như ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong đồ án lần này.
Ngoài ra, đồ án cũng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô, cũng như để phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn để bảo đảm kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật khác.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, phát triển đô thị theo mô hình TOD là điểm mới và tập trung trong thực hiện quy hoạch đợt này để cải tạo, tái thiết đô thị, tập trung xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, khai thác hạ tầng giao thông công cộng.
Theo đó, đầu tư tập trung, định hướng quy hoạch và xác định sông Hồng là trục không gian, biểu tượng phát triển của Thủ đô.
“Đây là điểm nhấn của quy hoạch chúng ta lần này và chi tiết các vị đại biểu Quốc hội đã xem hồ sơ, tài liệu cũng như trong video clip và áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô. Việc này trong hồ sơ đã báo cáo rất rõ với các vị đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, trong quy hoạch đã xác định phát triển cảng hàng không thứ 2 trong vùng thủ đô cũng như để xác định hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian, giai đoạn sắp tới.
Đối với quy hoạch không gian ngầm, Bộ trưởng cho biết, theo Luật Quy hoạch đô thị đã quy định việc này nhưng hiện nay chỉ có Thủ đô Hà Nội là được triển khai lập quy hoạch không gian ngầm cho một số khu vực đô thị.
Tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, để khai thác hiệu quả không gian, nguồn lực đất đai thì quy hoạch không gian ngầm cho Thủ đô sẽ tiếp tục được tập trung đầu tư cụ thể hóa trong trong quy hoạch lần này.
Nguồn: https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-cap-thiet-cai-tao-chung-cu-cu-tai-ha-noi-post815264.html