Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án được chuẩn bị đầy đủ, tuân thủ theo yêu cầu, quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 này.
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu, Điều 4 quy định 18 nhóm tài sản thuộc 18 nhóm lĩnh vực đưa vào diện đấu giá. Quy định như này là quá rộng và còn chung chung. Thực tế, các văn bản pháp luật này rất phức tạp, còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo nên có trường hợp khó xác định tài sản nào phải đấu giá. Điều này dễ dẫn đến những sai phạm trong quản lý khi luật có nội dung chưa rõ ràng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, thể hiện lại Điều 4 rõ ràng hơn và bổ sung điều khoản quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này để có cơ sở pháp lý chắc chắn thực hiện”. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe ô tô vào sau Khoản 4; làm rõ hơn về quy định nợ xấu trong đấu giá…
Đồng quan điểm trên, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia tại Dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu quy định xã hội hóa về Cổng đấu giá tài sản quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ.
Bàn về việc sửa đổi, bổ sung việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên (điểm b khoản 14 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản năm 2016), đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) cho biết: Dự thảo quy định “trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả mức giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu tất cả người có giá trả cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu trong số những người có giá trả cao nhất có người tiếp tục trả giá thì đấu giá viên phát phiếu trả giá cho người đó. Đấu giá viên công bố người đó là người trúng đấu giá nếu người đó có giá trả cao hơn.”
Đại biểu cho hay, để bảo đảm tính chặt chẽ đề xuất điều chỉnh theo hướng “trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả mức giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu trong số những người có giá trả cao nhất có người tiếp tục trả giá thì đấu giá viên phát phiếu trả giá cho người đó. Đấu giá viên công bố người đó là người trúng đấu giá nếu người đó có giá trả cao hơn. Nếu tất cả người có giá trả cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá”.
Đối với nội dung khoản 2 Điều 73 dự thảo nêu: “trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72 của Luật này thì người có tài sản thực hiện việc hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá, hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hoặc tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của pháp luật”, đại biểu Phạm Minh Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu điều chỉnh theo hướng “việc hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá sẽ do cơ quan đã phê duyệt kết quả đấu giá thực hiện”.
Liên quan đến đào tạo nghề đấu giá, các đại biểu cho biết, theo tờ trình thì một trong những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản là “Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; việc cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng của đội ngũ đấu giá viên còn chưa được thực hiện thường xuyên”.
Để có cơ sở xem xét, quyết định việc bỏ quy định này cần tổng kết, đánh giá rõ “một bộ phận” này có phải chủ yếu rơi vào các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá hay không. Đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định này, bởi nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản. Hiện nay, một số luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng có quy định về miễn đào tạo đối với một số trường hợp, như Luật Luật sư , Luật Công chứng.
Đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 (các hành vi bị nghiêm cấm), các đại biểu cho rằng đây điều là cần thiết nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đề nghị xem xét tính khả thi của quy định “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” vì việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” là rất khó khả thi. Bởi vậy, nên bỏ cụm từ này để bảo đảm tính khả thi của quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá”.