Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Một trong những nội dung đáng chú ý được các Đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là các giải pháp để phòng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Trong đó, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm: Việc thường xuyên điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không phải là sự điều hành mà nó thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách của chúng ta thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.
Đại biểu Lê Thanh Vân liên hệ tới việc điều chỉnh thường xuyên không khác gì người lái ô tô cứ thỉnh thoảng phải đỗ lại để sửa xe nên không đi được thông suốt. Mặt khác, việc thay đổi thường xuyên Chương trình xây dựng, luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Đó là sự chín muồi ở trong các kiến nghị lập pháp không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Ngoài ra, việc thường xuyên điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã khiến chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Đạo luật là quy tắc xử sự chung nhất để áp dụng cho toàn xã hội và quy tắc xử sự đó chứa đựng các giả định, các quy định và chế tài cụ thể để điều chỉnh từng hành vi một nhưng tồn tại quy phạm chính trị. Tức là những định hướng, nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người và hệ quả của nó dẫn đến là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư cũng không cụ thể và cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ dẫn đến tùy tiện và hậu quả của nó là làm khổ người dân, làm khổ doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng bày tỏ sự băn khoăn khi kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt là quá trình xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh còn “cài cắm” lợi ích.
Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị, phải sớm khôi phục lại việc xây dựng Chương trình pháp luật cho toàn khóa, bám vào nội dung nghị quyết Đại hội Đảng mỗi khóa để hoạch định chính sách lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên hàng năm và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó. Hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.
Ngoài ra, cần khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”, hạn chế bớt các quy phạm chính trị trong các đạo luật bằng cách đổi mới thành phần Ban soạn thảo. Phần lớn hiện nay Ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật nên cách nhìn không khách quan. Theo đó, phải thay đổi cơ cấu của thành phần Ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chuyên môn tham gia và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật nếu được thông qua phải có mặt trong Ban soạn thảo, Bởi vì họ chính là người chịu sự điều chỉnh của pháp luật, hơn ai hết họ phải được tham gia ngay từ đầu. Đặc biệt là chúng ta phải thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.
Về kỷ cương lập pháp, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thủ tướng nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ. Quốc hội nên coi tiêu chí xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế của những chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị trong nghị quyết về xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm nay phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đó là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật, nếu như đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải truy cứu trách nhiệm. Tinh thần đó nên thể hiện trong dự thảo nghị quyết lần này.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn khi có lúc chúng ta nói việc soạn thảo điều luật giống như ngồi trong phòng máy lạnh làm, rất xa lạ với người dân nên bất hợp lý. Vì vậy, cần có giải pháp để khắc phục những điều như các đại biểu đề cập về lợi ích nhóm, có lợi cho người quản lý. Theo đó, việc xây dựng luật phải có những chuyên gia, chuyên ngành. Ban soạn thảo gồm thành phần thứ nhất có thể là một số cán bộ của Bộ chuyên ngành cử vào.
Loại chuyên gia soạn thảo thứ hai là những người của các ngành pháp luật, vì chuyên gia chuyên ngành không rành về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp quy, nhưng Bộ Tư pháp hoặc các giáo sư luật thì có thể hiểu biết về soạn thảo văn bản pháp quy nhưng không thông thạo những vấn đề của chuyên ngành. Cho nên, trong Ban soạn thảo phải có 2 thành phần đó.
Thành phần thứ ba là những chuyên gia độc lập, nhà khoa học hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó mà họ không trực thuộc ban, ngành nào cả, có uy tín trong xã hội và đại diện cho những đối tượng điều chỉnh của luật đó. Thành phần thứ ba này bảo đảm sự khách quan nhưng cũng bảo đảm được tiêu chí chuyên ngành và có kiến thức về soạn thảo văn bản pháp quy.
Ban soạn thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã từng đề nghị đặt ở bên Quốc hội, không đặt bên Chính phủ. Vì đặt ở bên Chính phủ thì Chính phủ sẽ giao cho một Bộ nào đó, Bộ đó lại giao cho một Vụ thì không thể nào “thoát” được chuyện sẽ có lợi cho quản lý nhà nước của Bộ đó.
Do vậy, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị để giải quyết những vấn đề phát sinh thì Ban soạn thảo này nên hình thành một cách độc lập. “Nếu cần tổ chức thăm dò ý kiến thì Quốc hội sẽ giúp cho chuyện đó, do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cùng với một số Ủy ban trợ giúp cho Ban soạn thảo này. Cuối cùng, khi Ban soạn thảo xong Chương trình thì trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.