Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Góp ý tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) dẫn chứng thực tế còn tồn đọng nhiều dự án, công trình nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM, dẫn đến hàng ngàn căn hộ không được cấp giấy chứng nhận.
Đồng thời, ĐB chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định, cam kết, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mua nhà dù họ đã trả tiền mua nhà đầy đủ.
Từ đó, ĐB đề nghị, bổ sung quy định đặt cọc vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo giao kết hợp đồng trước thời điểm nhà ở, nền nhà cũng như công trình xây dựng hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh và giao kết hợp đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung Khoản 4 Điều 41 trong dự thảo luật. Trong đó cần có sự thống nhất xác định việc chuyển nhượng dự án một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp thuộc quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định.
ĐB cho rằng, khi chuyển nhượng dự án một phần dự án thì doanh nghiệp phải nộp thuế, khắc phục tình trạng chuyển nhượng chui, núp bóng dưới hình thức là chuyển nhượng cổ phần, thay đổi cổ đông…
Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về nhà ở hình thành trong tương lai, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, trong thực tế đã xảy ra tình huống tranh chấp giữa người mua nhà với chủ đầu tư. Đó là chủ đầu tư giao nhà trễ hẹn với người mua, giao không đúng chất lượng như cam kết, không đảm bảo hạ tầng văn hóa xã hội, chậm trễ trong việc giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…
ĐB cũng dẫn chứng thực tế trường hợp người thân trong gia đình đã chuyển tiền mua nhà rồi nhưng chủ đầu tư lại không giao nhà. Do vậy, ĐB đề nghị dự thảo luật lần này phải quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm chủ đầu tư, kể cả cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép xây dựng. Đồng thời cần có quy định bảo vệ người yếu thế trong xã hội, người dân mua nhà.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, các sản phẩm bất động sản lên sàn phải theo chuẩn mực gồm bộ phận môi giới, bộ phận kinh doanh, bộ phận công chứng… chứ không thể mang tính chất là sàn môi giới bất động sản như hiện nay. Do vậy, không nên bắt buộc người dân khi mua nhà phải thông qua sàn giao dịch khi sàn này chưa đúng chuẩn mực.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, luật cần đảm bảo quyền lợi của người kinh doanh và người mua sản phẩm bất động sản.
ĐB dẫn thực tế thời gian qua, ngành kinh doanh bất động sản vừa có công, vừa có tội khi rất nhiều người dân dành dụm tiền bạc cả đời, thậm chí 2-3 đời mới mua được căn nhà, căn hộ. Do vậy việc sở hữu nhà ở, căn hộ đối với người dân rất quan trọng.
ĐB đề nghị không vì những tiêu cực vừa qua của ngành kinh doanh bất động sản mà quy định ràng buộc quá nhiều, ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, dẫn chứng thực tế có quá nhiều quy định, các doanh nghiệp bất động sản muốn nhanh tiến độ dự án thì phải chung chi, tốn kém chi phí.
Do vậy, luật cần tạo hành lang pháp lý phù hợp, thông thoáng để doanh nghiệp kinh doanh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng là khách hàng mua sản phẩm bất động sản.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị trong xây dựng luật cần cảnh giác trước những nội dung cài cắm đặt lợi ích của doanh nghiệp bất động sản trong đấy. Người làm luật cần cảnh giác mà phát hiện những sơ hở này để bảo vệ quyền lợi người dân, người tiêu dùng.
Về nhà ở hình thành trong tương lai, ĐB chỉ ra, chủ đầu tư nôn nóng huy động vốn dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Cho nên mới phát sinh tình trạng “tay không bắt giặc”, có những doanh nghiệp đầu tư dàn trải đến 50 dự án bất động sản. Đến khi thị trường bất động sản đi xuống, Nhà nước, ngân hàng phải vào giải cứu.
“Có những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, đàng hoàng ngay cả gặp lúc khó khăn người ta dùng lợi nhuận tích lũy được để bù đắp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ ra thực trạng doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
ĐB đề nghị thêm, trong dự thảo luật cần bổ sung, doanh nghiệp bất động sản phải công khai và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, trung thực và chuẩn xác các thông tin công khai các dự án.
Đồng tình, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, dự luật cần bổ sung chi tiết, rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản.
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về câu chuyện hiện nay nhiều căn hộ ở TPHCM chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, ĐB kiến nghị rà soát đưa quy định trách nhiệm chủ đầu tư thành một trong những điều kiện để đưa tài sản hình thành trong tương lai hoặc đưa dự án bất động sản vào trong kinh doanh.
ĐB cũng đề nghị cần có quy định cụ thể, chi tiết để tổ chức các hoạt động giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch một cách công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia mua bán. Từ đó, giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, còn người mua thì có đầy đủ thông tin về sản phẩm và tìm được sản phẩm bất động sản ưng ý.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.
Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 8 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Qua đó, giúp phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lành mạnh, ổn định và vận hành thông suốt; cơ cấu lại thị trường bất động sản.
Cùng với đó, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; phát triển đô thị, các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, có tính đến thời điểm thực hiện quy hoạch, kế hoạch để cân đối cung cầu, tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.