Nội dung chất vấn chủ yếu tập trung đến 3 nhóm vấn đề đang được nhiều cử tri, Nhân dân và đại biểu quan tâm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…); hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chính chất vấn của ĐBQH. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cũng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Về an ninh lương thực, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo. Ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
Về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết đây là chiến lược của ngành Nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới. Từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp hay doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc. Trong thời gian tới Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn. Đồng thời phối hợp các viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.
Liên quan đến câu hỏi về đất lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa. Cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau, như: sản lượng lúa; bao nhiêu nông dân trên đất lúa đó; chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó… Bộ cam kết sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.
Về vấn đề chuyển đổi nghề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã có quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề. Tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với người dân trong diện chuyển đổi, diện không cho khai thác do cường độ cao để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Mỗi đối tượng đều phải có chính sách cụ thể kèm theo, không nên đưa ra chính sách chung chung.
Nhiều ĐBQH cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu đối với thủy sản nước ta. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung. Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các cơ quan phải cùng nhau cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý tốt.