Không nên quy định chỉ tạo lợi thế cho doanh nghiệp

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, góp ý vào Điều 127 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu rõ, dự thảo luật có phương án quy định đối với dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác, mục đích là cho phép doanh nghiệp thỏa thuận và xây dựng vì mục đích thương mại trên đất không phải là đất ở… 

 Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại phiên họp. 

Theo đại biểu, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); đây cũng không phải vấn đề mới và được tranh luận rất quyết liệt tại hội trường.

Khi giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải đất ở xây dựng nhà ở thương mại để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Từ đó, đại biểu đề nghị làm rõ vì sao dự thảo luật đến nay lại có sự thay đổi này.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, Nghị quyết số 18 nêu rõ, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp trong dự án đô thị, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, nếu vận dụng nội dung này theo hướng cho doanh nghiệp thỏa thuận quyền sử dụng đất để kinh doanh dự án nhà ở thương mại là không phù hợp.

Theo đại biểu, cần phân biệt rất rõ giữa thu hồi đất và thỏa thuận bởi vì tính chất hoàn toàn khác nhau. Khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế – xã hội thì phải có sự cân nhắc rất kỹ.  

“Nếu quy định thế này chỉ thỏa mãn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua hết đất nông nghiệp, đất rừng để chuyển sang mục đích xây dự án nhà ở thương mại. Vấn đề khai thác triệt để chênh lệch địa tô vẫn không làm được, rất khó bảo đảm”, đại biểu phân tích.

Luật hóa quy định về điều chỉnh lại đất đai 

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hằng năm, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.

Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Theo đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn góp ý, tại Điều 79 của dự thảo luật này cần quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện thỏa thuận. Đồng thời, ngoài trường hợp phải thỏa thuận thì cần bổ sung nguyên tắc trong thu hồi đất bắt buộc phải có phương pháp về điều chỉnh lại đất đai. 

Đại biểu phân tích, điều chỉnh lại đất đai là chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 18 và được quy định tại Điều 219 của dự thảo luật: Đây là phương thức sắp xếp lại đất đai trong một khu vực nhất định, dựa trên sự đồng thuận của người sử dụng đất để điều chỉnh lại đất đai.

“Đây là nội dung rất mới của dự thảo luật so với các đạo luật về đất đai trước đây”, đại biểu nói.

Đại biểu cho rằng, tại Việt Nam, một phần của cơ chế để dịch chuyển đất đai đã được áp dụng trên thực tế như: Vận động hiến đất làm đường ở các khu đô thị, khu dân cư nông thôn hay khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa…

Tuy nhiên, cơ chế pháp lý chưa thực sự rõ ràng sẽ khó thúc đẩy được việc chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng như hỗ trợ thực hiện các cánh đồng mẫu lớn…. Trong khi đó, luật hóa quy định về điều chỉnh lại đất đai là một nội dung rất quan trọng nên cần được bổ sung trong trường hợp đồng thuận theo đa số và đặt dưới nguyên tắc thu hồi đất để có thể kết nối với các nội dung khác của luật, không chỉ là một điều độc lập chỉ mang tính khuyến khích.

“Do đó, có thể điều chỉnh lại đất đai nhưng thay vì tham gia hoàn toàn tự nguyện thì cần có quy định của luật để chủ sử dụng đất phải thương lượng với các nhà đầu tư, mà thực chất là dưới nguyên tắc của thu hồi đất bắt buộc”, đại biểu đề xuất.

THẢO PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.