Ngày 11/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên lề hành lang, một số đại biểu đánh giá những nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn đều nóng và kỳ vọng các Tư lệnh ngành đưa ra các giải pháp thấu đáo với các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Video Đại biểu Lê Đào Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chia sẻ:
Để lựa chọn vấn đề chất vấn, các đại biểu đã cân nhắc lựa chọn các vấn đề cử tri quan tâm đặt ra trong đời sống.
Hiện nay, vấn đề đặt ra là những yêu cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp sau khủng hoảng của đại dịch COVID-19 và trước những biến động trên thế giới. Nghĩa là, làm thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất. Hay các vấn đề được đại biểu Quốc hội chọn như: Tín dụng, các vấn đề an sinh xã hội, an toàn thông tin trên môi trường điện tử..
Với những vấn đề chất vấn, các đại biểu Quốc hội sẽ được nghe các Bộ trưởng, trưởng ngành thông tin về các giải pháp thấu đáo sẽ được triển khai, đáp ứng nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp trước bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hết mình bước vào kỷ nguyên mới.
Các đại biểu kỳ vọng những vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ giải quyết nhiều “điểm nghẽn” trong lĩnh vực Y tế.
Vừa qua, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng phân tích, đầu tư công của Nhà nước ngành Y tế thấp, từ 1 – 2% GDP, trong khi đó, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải lấy 30% ngân sách của các địa phương cho Y tế và phải dành cho Y tế dự phòng. Thực tế, nhiều nơi tập trung ở lĩnh vực điều trị, khu vực dễ dàng thu lại nhiều tiền hơn, nhưng cần khuyến khích địa phương đầu tư ngân sách cho Y tế dự phòng.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh:
Có nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, trong đó là những thông tin giả được lan truyền trên mạng xã hội. Vì vậy, ở lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng cần có những cam kết mạnh mẽ trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch, thông tin không đúng trên mạng xã hội. Bởi thực tế, những thông tin sai lệch đã tác động tiêu cực tâm lý người dân.