(Dân trí) – Đầu tư nước ngoài đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua. Thu hút FDI góp phần thúc đẩy mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
18h chiều, Thái – một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa – dắt cậu con trai nhỏ rời Công viên khủng long Jura Park về nhà. 35 tuổi, sau hơn 10 năm học tập và làm việc tại Hà Nội, vợ chồng Thái đã mua được một căn chung cư nằm trong khu đô thị sinh thái lớn tại quận Long Biên.
12 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Thái vào làm việc cho Samsung Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh. Trong giai đoạn bùng nổ, năm 2013, Samsung sẵn sàng trả nhân sự thu nhập cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp để thu hút nguồn nhân lực.
Thái tiết lộ mức lương khởi điểm lúc đó của anh là 8 triệu đồng và tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm, chưa kể các chế độ phúc lợi khác. Sau này, anh chuyển sang làm việc cho Toyota và hiện công tác tại một tập đoàn lớn của Mỹ.
“Samsung và các doanh nghiệp FDI khác đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam, giúp chúng tôi ổn định kinh tế cũng như phát triển sự nghiệp”, Thái chia sẻ.
Chứng kiến tiến trình Việt Nam thu hút các “đại bàng” FDI, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nói với phóng viên Dân trí, giai đoạn 1991-1998 là đỉnh cao hoàng kim của kinh tế Việt Nam và có đóng góp rất lớn của FDI.
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn này đạt bình quân 8,2%. So với mục tiêu tăng trưởng 5,5% đề ra thì mức đạt được kỳ tích như vậy có công lớn nhờ vào dòng vốn FDI. Vốn FDI đóng góp khoảng 35% vốn đầu tư của xã hội và hiện giảm về mức 22-23%.
Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng bởi kinh tế tư nhân trong nước lúc bấy giờ vẫn chưa phát triển, doanh nghiệp Nhà nước thì trong quá trình cải cách, cổ phần hóa.
Nhiều ngành công nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong đó có lọc hóa dầu. Mặc dù nền kinh tế còn cấm vận nhưng các tập đoàn lớn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều tham gia vào tham gia khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Từ đó, Việt Nam xây dựng thêm nhà máy lọc dầu, hóa dầu. Ngành công nghiệp này đóng góp 20% GDP, 20% thu ngân sách. Hiện ngành này chỉ còn đóng 5-6% GDP.
Thứ hai là vai trò lan tỏa của FDI vào sự phát triển của ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Giai đoạn này, Việt Nam dùng chủ yếu điện thoại cố định còn điện thoại di động có giá thành cao nên không thể cạnh tranh được với các nước.
Ông Mại nói, khi đó, thương vụ hợp tác 12 triệu USD trong 10 năm giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và tập đoàn công nghệ thông tin Telstra của Australia đã thay đổi lớn ngành viễn thông, công nghệ thông tin.
Trong thập kỷ hợp tác, Telstra đã hỗ trợ cho đầu tư hạ tầng thông tin, đào tạo cán bộ cho công nghệ thông tin cho Việt Nam. Từ đó, Việt Nam nhanh chóng vượt lên các nước trong khu vực về lĩnh vực này. Đầu năm 2001-2002, Việt Nam đã trở thành nước có mạng lưới di động phát triển. Máy tính bảng, máy tính cầm tay, điện thoại di động tăng nhanh. Số liệu năm 2023 cho thấy Việt Nam có 135 triệu thiết bị smartphone được sử dụng.
Sự phát triển của ngành viễn thông và công nghệ thông tin cùng với làn sóng FDI thứ 2 thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển. Năm 2006, Samsung đầu tư vào Việt Nam với số vốn 650 triệu USD và lên đến 20 tỷ USD trong thời gian gần đây. Doanh nghiệp FDI này tạo ra công ăn việc làm cho 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Việt Nam nhanh chóng trở thành cứ địa sản xuất smartphone và linh kiện điện tử trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Mại cho biết cùng với Samsung, năm 2006 Intel cũng đầu tư vào Việt Nam. Intel là tập đoàn lớn nhất của Mỹ về công nghệ thông tin và công nghệ điện tử tại thời điểm này. Việc đầu tư vào Việt Nam của “ông lớn” này tạo cú hích cho khu công nghệ cao của TPHCM.
Intel không chỉ sản xuất thiết bị, sử dụng 3.000 kỹ sư phần mềm mà còn tạo ra hệ sinh thái liên kết với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, các trường đại học, các viện nghiên cứu của TPHCM. Hiện nay, khoảng 30 đơn vị trong hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau.
Tập đoàn công nghệ không chỉ xuất khẩu linh kiện điện tử mà còn giúp doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phát triển nhanh hơn cũng như việc nhiều trường đại học lập viện nghiên cứu quan trọng. Hiện nay, TPHCM đã sản xuất được một số con chip để tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong làn sóng FDI lần 2, dòng vốn đầu tư lan tỏa mạnh đến ngành công nghệ. Giáo sư Nguyễn Mại cho biết Viettel là điển hình về tác động lan tỏa của FDI. Viettel được thành lập năm 1997 sau đó thành lập doanh nghiệp quân đội sản xuất kinh doanh độc lập. Giai đoạn 2012-2013, Viettel tiến hành tổ chức lại hoạt động và hợp tác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp này có viện nghiên cứu lớn và rất nhiều cán bộ nghiên cứu có xuất thân từ trung tâm nghiên cứu của Samsung. Ngày nay, Viettel không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc phòng.
Bên cạnh những lan tỏa về kinh tế, vai trò lớn của dòng vốn FDI nhưng ít được đề cập đến là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết rất nhiều chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát từng làm cho các doanh nghiệp FDI.
Từ đó Việt Nam có rất nhiều người đã đạt đến trình độ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, cán bộ khoa học công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kiểm toán, công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp và doanh nhân mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết 9 tháng qua, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực.
Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/9 năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng trong tháng 9, tổng lượng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng.
Năm 2023, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam cũng đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất.
Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét, Việt Nam như ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới với những kết quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cả thế giới và Việt Nam đang đứng trước thách thức sinh tử, làn sóng chuyển đổi mang tính thời đại.
Theo đó, kinh tế thế giới sẽ theo hướng tập trung vào công nghệ cao, phát triển xanh và liên kết toàn cầu. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi AI sẽ thay đổi cuộc chơi.
Giáo sư Nguyễn Mại cho biết, cách đây 5 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Lần đầu tiên Đảng ban hành Nghị quyết về đầu tư nước ngoài với nhiều thay đổi rất lớn về chủ trương. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước. Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ càng hơn.
Trên cơ sở Nghị quyết 50, năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2024-2030, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng. Việt Nam hướng tới mục tiêu không chỉ là nơi thu hút đầu tư mà là nơi các tập đoàn thế giới lựa chọn di dời được các đại bản doanh.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia xây dựng tầm nhìn chiến lược, tập trung triển khai 9 ngành lĩnh vực công nghệ trọng tâm đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới, bao gồm sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, trí tuệ nhân tạo.
Trước làn sóng FDI mới, Việt Nam đã bắt đầu thu hút một loạt dự án FDI thuộc các ngành sản xuất thông minh, sản xuất chip. Ví dụ như Tập đoàn Amkor thông báo kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ USD vào Việt Nam vào Khu công nghiệp Yên Phong 2, tỉnh Bắc Ninh để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Nhà máy đã được khánh thành vào tháng 10/2023.
Năm 2021, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Intel trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Sau đó, tập đoàn này cũng thông báo sẽ tăng quy mô đầu tư vào Việt Nam lên gần 50%.
Tháng 9/2023, Công ty Hana Micron Vina (thuộc Tập đoàn Hana Micro của Hàn Quốc) cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Để đón được làn sóng FDI mới, tập trung vào công nghệ bán dẫn, công nghệ AI, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng cần phải có các thể chế, chính sách pháp luật cơ chế để thực thi một cách hoàn chỉnh.
Theo ông, có 4 vấn đề cần sớm được giải quyết nhằm thu hút dòng vốn FDI mới hiệu quả. Thứ nhất là cần thay đổi cách làm luật, ban hành cơ chế chính sách. Thay vì sửa luật thụ động như hiện nay, chúng ta phải xem xét sửa đồng bộ các luật đang không đồng bộ cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn, công nghệ AI.
Thứ hai là thay đổi nhận thức và xây dựng hạ tầng số hóa. Việt Nam cần có nhiều viện nghiên cứu lớn về AI, Big Data, trung tâm đổi mới sáng tạo để xây dựng nền tảng hạ tầng cho nền kinh tế số.
Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm phát triển, đổi mới sáng tạo. Mới đây, Chính phủ ban hành quy định phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Trong đó có mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư tiết giảm quy trình thủ tục đầu tư, thời gian phê duyệt dự án. Mới đây, trong tờ trình Luật đầu tư sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, bổ sung quy định mới về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng cho các dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế. Các lĩnh vực ưu tiên gồm công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn…
Bộ Kế Hoạch và Đầu tư đề xuất hồ sơ đăng ký được gửi cho ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, dự án đầu tư đăng ký theo quy định này không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết phù hợp với yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Kính thưa quý độc giả,
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn với những vận hội và thách thức đan xen. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, lo lắng về đạo đức xã hội…
Trong bối cảnh đó, việc nhận thức rõ những đặc trưng, thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới là hết sức quan trọng. Tuyến bài “Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam” trên báo Dân trí sẽ phân tích sâu sắc những vấn đề then chốt, góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi lớn:
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được hiểu như thế nào? Đâu là những dấu mốc, sự kiện quan trọng khẳng định bước chuyển mình của đất nước?
Những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới là gì? Làm thế nào để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
Vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới?
Chúng tôi hy vọng tuyến bài sẽ góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
23/10/2024 – 06:08