Apple mở cửa hàng, Boeing sẽ đầu tư chuỗi cung ứng phụ tùng…
Thông tin vừa được Bộ Công thương phát đi bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng thương mại khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Detroit (Mỹ) ngày 28.5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Steve Biegun – Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing (Mỹ). Nửa tháng trước, ngày 12.5, Boeing đã có lễ khánh thành văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Steve Biegun cũng tiết lộ chiến lược kinh doanh của Boeing tại VN. Cụ thể, Boeing sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải.
Đặc biệt, tập đoàn này sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại VN. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số nhà cung cấp tại VN đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp. Tuy vậy, đa số các nhà sản xuất này có vốn đầu tư của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh nghiệp (DN) Việt chỉ mới sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.
Do đó, ông Diên mong muốn Boeing giúp “tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn” tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của các DN Việt. Cũng tại hội nghị này, Phó chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng AES (Mỹ) cũng cho biết sẽ đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại VN nhằm sớm cung cấp điện năng, đảm bảo đầy đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trước đó, ngày 18.5, Apple đã công bố sự kiện ra mắt cửa hàng trực tuyến cho thị trường VN, trong đó cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm Apple và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng trên toàn quốc. Trên trang web của Apple, Phó chủ tịch cấp cao mảng bán lẻ của Apple – bà Deirdre O’Brien bày tỏ: “Chúng tôi tự hào được mở rộng hoạt động tại VN”. Theo Hãng tin Reuters, các cửa hàng trực tuyến đi trước là động thái “mở đường” cho việc mở các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple “đặt cược” vào các thị trường mới nổi. Ông xem đây là cơ hội để Apple tăng trưởng khi dân số tại các thị trường này còn trẻ, số lượng iPhone vẫn chưa bão hòa.
Đến nay, Apple vẫn chưa đề cập đến kế hoạch mở cửa hàng trực tiếp tại VN nhưng từ nhiều năm qua, Apple đã bán sản phẩm tại thị trường VN qua các nhà phân phối chính thức, hãng này cũng có nhiều đối tác lắp ráp, sản xuất các thiết bị tại VN để xuất khẩu. Cửa hàng trực tuyến của Apple tại VN chỉ ra đời vài tuần sau khi hãng này đã mở cửa hàng trực tiếp đầu tiên tại thành phố Mubai và Delhi (Ấn Độ).
Boeing và Apple cũng là 2 trong số 50 doanh nghiệp Mỹ đến VN để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh vào tháng 3 vừa qua. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận định: “Điều chúng ta mong muốn đã và đang diễn ra. Sau chuyến đi đó, sau những cuộc trao đổi làm việc giữa các lãnh đạo cao cấp với các tập đoàn, việc Boeing chính thức đặt văn phòng tại VN là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế VN, trong bối cảnh nhiều lo lắng suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI. Chính sách về giảm phát thải ròng của VN đang hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ, tôi tin sẽ có những “đại bàng” khác trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo”.
Cần đi nhanh hơn nữa
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm đã có sự “cải thiện đáng kể”. Đặc biệt, số dự án đầu tư mới tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 66,4%); vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tăng mạnh. Trong đó, phải kể tới dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỉ USD, giúp vốn FDI vào ngành tài chính, ngân hàng trong 5 tháng tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ. Tuy vậy, các số liệu cũng cho thấy, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn đổ hàng trăm triệu, hàng tỉ đô vào VN. 70% dự án mới có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá: “Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào VN trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”.
Dù lạc quan, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng vẫn lưu ý VN cần theo dõi chặt chẽ các thay đổi về chính sách của các nước, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia đã vào VN có còn duy trì phong độ tăng trưởng hay chững lại, hay chuyển nhà máy… Tất cả phải có biện pháp phòng bị để không bị bất ngờ, lạc hậu. Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu VN chậm ngày nào là thiệt thòi ngày ấy, bởi các quốc gia có DN lớn đầu tư tại VN đã tuyên bố áp dụng thuế này từ năm sau. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, mục tiêu thu hút FDI của VN khó đạt.
Nói rõ hơn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh VN cần theo dõi đến thay đổi chính sách của các nước, chiến lược đối ngoại của từng nước và đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào VN. “Môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đã và đang thay đổi nhiều dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như trong và sau đại dịch Covid-19, rồi chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… ảnh hưởng lớn đến thu hút vốn FDI, từ dòng vốn mở rộng, đến vốn chuyển dịch từ các thị trường kém hấp dẫn. Thế nên, các thị trường vốn chất lượng cao đều có sự hạn chế đầu tư ra nước ngoài, kể cả Mỹ, Nhật Bản, EU hay cả Hàn Quốc”.
Tỏ ra khá sốt ruột, ông Lạng đặt vấn đề một trong những chính sách ưu đãi mà VN vẫn đang áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài là giảm thuế, phí thuê đất… nhưng hiện với thuế tối thiểu toàn cầu, VN sẽ mời gọi những “đại bàng” bằng chính sách nào? Vì thế, phải có sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức tiếp cận. Không thể ngủ quên trên những gì đã đạt được, cũng chưa nên quá hân hoan trước thành tựu mới xuất hiện. Hiện, Indonesia và Ấn Độ là 2 quốc gia có thể coi là đối thủ nặng ký, cũng là đối tác quan trọng trong thu hút vốn FDI. VN cần theo dõi, điều chỉnh chính sách để một mặt giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, mặt khác tăng tốc thu hút nhà đầu tư mới.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói thêm: “Những con đại bàng lớn luôn dẫn dụ những đại bàng khác để tạo nên một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay lớn mạnh. Thế nên, tôi vẫn mơ một giấc mơ về trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong tàu thủy… của VN sớm được kích hoạt trở lại”.