Là Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập cuốn sách đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của cuốn đặc san này trong bối cảnh ngành Thủy sản vừa kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản với rất nhiều thành tựu đáng tự hào?
– Trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc và cả những thăng trầm của ngành Thủy sản; có những lúc chúng ta tập trung vào khai thác mà chưa thực sự đầu tư cho công tác bảo tồn. Hiện nay, với định hướng, chiến lược mới của ngành Thủy sản, giảm cường lực khai thác, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuy sản để làm sao khai thác được hiệu quả tiềm năng của một quốc gia ven biển.
Do vậy, sự ra đời của cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm Chủ tịch hội đồng; Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư tổ chức xuất bản trong bối cảnh ngành Thủy sản vừa kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng, bởi cuốn sách như một thước phim, như một cuốn tư liệu giúp chúng ra có cái nhìn tổng thể về ngành Thủy sản, từ lúc sơ khai nhất với mục tiêu phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản để tăng cường dinh dưỡng cho con người đến nay đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt kỷ lục 11 tỷ USD; năm 2023 đạt trên 9 tỷ USD.
Nói cách khác, cuốn sách đã khái quát hóa được những mốc son chói lọi của ngành trong suốt 65 năm qua, kể từ ngày 1/4/1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá tại Cát Bà, Hải Phòng. Để ghi nhớ sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.
Có thể nói, cuốn sách đã giúp cho các thế hệ công tác trong ngành Thủy sản có thể thấy hình bóng của mình qua các thời kỳ, đưa ngành Thủy sản phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn – gấp 7,1 lần so với năm 1995; nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn (gấp hơn 5 lần năm 1995).
Hiện sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)…
Bên cạnh đó, cuốn sách còn gợi mở những giải pháp, định hướng phát triển của ngành Thủy sản trong thời gian tới để các thế hệ tiếp theo như chúng tôi tiếp tục phát huy hơn nữa thành quả của những người đi trước, chuyển hóa tốt nhất các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cho các giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đúng như kỳ vọng về khai thác hiệu quả tiềm năng của một quốc gia ven biển.
Trong cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam, một trong những nội dung được thể hiện rất đậm đặc đó là sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ NNPTNT đối với ngành Thủy sản và những kết quả mang lại từ sự chỉ đạo này. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
– Có thể nói, ngay từ khi Bác Hồ về thăm các làng cá, Người đã căn dặn: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ…”. Đó cũng chính là những định hướng quan trọng để ngành Thủy sản khai thác tốt tiềm năng lợi thế, đóng góp vào đời sống kinh tế của cộng đồng ngư dân, những người sống và làm việc với ngành Thủy sản.
Đối với một quốc gia ven biển, việc chúng ta tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, bên cạnh đó có trách nhiệm bảo vệ đại dương, môi trường, đa dạng sinh học, có đóng góp chung với các quốc gia trên thế giới sẽ là những ưu tiên hàng đầu. Ngành Thủy sản ở giai đoạn trước, phát triển theo bề rộng, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được hoàn thiện; các chiến lược, quy hoạch phát triển từng lĩnh vực trong ngành đã được ban hành, ngành Thủy sản xác định phát triển theo chiều sâu và đảm bảo phát triển bền vững theo một chuỗi liên kết khép kín từ nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chế biến và xuất khẩu.
Với cá nhân ông, đâu là điểm nhấn ấn tượng nhất trong cuốn Toàn cảnh ngành Thủy sản Viêt Nam?
– Cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam đã góp phần định hình mốc son của ngành Thủy sản từ lúc sản xuất tự cung tự cấp đến hội nhập, xuất khẩu thủy sản đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng những dấu ấn trong khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong giai đoạn tới, ngành Thủy sản ưu tiên mạnh cho công tác phát triển nuôi biển gắn với bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc đặt mục tiêu tăng các khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng nhằm đạt được mục tiêu, chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho ngành Thủy sản. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo vệ nguồn lợi thủy sản với những mục tiêu rất cụ thể nhằm phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Đề án phát triển nuôi biển cũng sẽ góp phần tạo không gian cho các địa phương khai thác hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, từ đó giảm cường lực, số tàu khai thác để phù hợp với trữ lượng của biển, tăng cường lực lượng kiểm ngư để đủ năng lực thực thi pháp luật, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.
Đề án củng cố vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường, không chỉ giữ vững thị phần ở những thị trường truyền thống mà còn chiếm lĩnh các thị trường khác.
Nói tóm lại, ngành Thủy sản là tổng thể của chuỗi liên hoàn từ nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, chế biến, xuất khẩu. Các trụ cột này phải sát cánh cùng nhau để việc sản xuất của người dân an toàn, hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/cuc-truong-cuc-thuy-san-dac-san-toan-canh-nganh-thuy-san-viet-nam-nhu-thuoc-phim-quy-ve-su-phat-trien-cua-nganh-2024060615034126.htm