(NLĐO) – Huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp được biết đến là xứ sở của các món ngon từ thịt trâu, đặc biệt là món khô trâu do các cơ sở nơi đây chế biến phục vụ khách hàng cả nước.
Đến thăm những cơ sở sản xuất khô trâu ở huyện Tân Hồng những ngày Tết mới thấy được không khí nhộn nhịp của nghề truyền thống này.
Với hương vị đặc trưng của món khô trâu, Cơ sở sản xuất khô trâu Phương Trang (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) tạo ra điểm đặc biệt với cách chế được nhiều người tin dùng.
Chế biến khô trâu tại Cơ sở khô trâu Như Quỳnh
Ông Huỳnh Thanh Phương, chủ cơ sở, cho biết: “Những năm trước, nhiều người hỏi tìm mua khô trâu nhưng ở Tân Hồng không có người làm. Từ ý tưởng này, tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chế biến khô trâu ở nhiều nơi. Hiện tôi không chỉ chế biến thành công khô trâu, mà còn xây dựng thương hiệu cho cơ sở chuyên chế biến khô trâu nổi tiếng. Những ngày cận Tết, gia đình tôi tất bật chế biến khô trâu để cung ứng ra thị trường”.
Theo kinh nghiệm của ông Phương, để chế biến được miếng khô trâu thơm, ngon, người làm phải chọn mua cho được thịt tươi. Vì nếu thịt trâu đông lạnh, sau khi làm khô sẽ bị mốc, không ngon. Thịt chọn làm khô phải là thịt đùi, bỏ hết gân, mỡ, cắt thành lát lớn, dày. Tiếp đến là khử tanh thịt bằng cách ngâm nước gừng, rượu trắng và nước muối. Sau đó, đem thịt ướp sả, tỏi, ớt đã bằm nhuyễn hoặc giã nát. Ngoài ra cần trộn thêm ít muối, ngũ vị hương, sa tế cho thấm vào thịt rồi đem phơi nắng và thường xuyên trở thịt. Nắng càng tốt thịt càng ngon, không bị ẩm, mốc. Bình quân 3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô trâu. Khô trâu, có thể bảo quản để ăn nhiều tháng.
Thương hiệu khô trâu Tân Hồng được người tiêu dùng nhiều nơi ưa chuộng
Những năm gần đây, khô trâu được người tiêu dùng rất ưa chuộng, nhất là dịp Tết nên làm không đủ bán. Trước đây, giá khô trâu khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, nay đã tăng lên từ 700.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều người trước đây chuyên làm khô cá đồng phục vụ Tết nay cũng chuyển hướng sang làm khô trâu để cung ứng ra thị trường. Vì vậy, người chuyên làm khô trâu phải tìm mua thịt trâu tươi ở khắp nơi.
Cũng là người có thâm niên hơn 15 năm làm khô trâu, bà Lê Thị Bích Diễm – Chủ cơ sở khô trâu Như Quỳnh – cho rằng trước Tết một tháng là thời điểm chính vụ để chế biến khô trâu bán Tết. Do nguồn thịt trâu tươi hiện rất khan hiếm nên giá khô trâu bán ra thị trường cũng tương đối cao. Trong đó có nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp xem khô trâu là đặc sản mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè trong cả nước, kể cả ở nước ngoài.
Sản phẩm khô trâu đã được chế biến có màu sắc hấp dẫn
Cũng theo bà Diễm, đặc sản khô trâu được chiên hoặc nướng ăn liền. Người dùng có thể nướng trên bếp than hồng cho đến khi mùi thơm bốc lên, lúc đó khô đã chín đều. Món khô trâu khi nướng xong có thể chấm với nước cơm mẻ chua cay hoặc nước mắm me chua cay ngọt. Cũng có thể chế biến gỏi, như trộn chung với xoài sống, dưa leo hay đu đủ bào, sau đó cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phộng, ít rau răm sẽ giúp món ăn thơm lừng, ngon vượt trội so với các loại khô khác.
Theo ông Mai Văn Siêng, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, thời gian qua, các chủ cơ sở sản xuất khô trâu đã tận dụng tốt các lợi thế sẵn có của địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp và phân phối vào các siêu thị, thị trường ngoài tỉnh; mạnh dạn tham gia các hội thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện giúp các cơ sở khởi nghiệp tiếp cận vốn vay, các thủ tục… để các cơ sở mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao giá trị của từng sản phẩm ở huyện.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/dac-san-kho-trau-tan-hong-20210216150324654.htm