Gói bánh Lang Liêu (bánh chưng) là nghề làm quanh năm ngày tháng và là nghề làm giàu của nhiều gia đình tại thôn Bấc 2, xã Thuỷ Đường (huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng).
Về những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nơi đây như nóng lên bởi những chiếc lò luộc bánh chưng hoạt động liên tục, hết công suất để cho kịp các đơn hàng khách gần, xa đã đặt.
Lưu giữ nghề cổ truyền
Theo người dân địa phương, đây là nghề cổ truyền của cha ông để lại, những cụ 70, 80 tuổi trong làng bây giờ hỏi họ cũng chỉ biết trả lời rằng, khi họ lớn lên ở đây cũng đã có cái nghề này!
Trước đây, còn có khá nhiều hộ làm bánh chưng bán trong các chợ khắp thành phố. Tuy nhiên, đến nay những người làm nghề trong làng đã mai một dần, số còn lại cũng chỉ khoảng gần chục gia đình kiên trì bám trụ, lưu giữ nghề của”tổ tiên”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dâng thôn Bấc 2, xã Thuỷ Đường (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cũng có đến 5 đời sống bằng hoạt động sản xuất gói bánh chưng. Bà Dâng được ông bà, bố mẹ dạy cho cách gói bánh chưng từ khi bà mới lên 10 tuổi.
Cũng từ cái nghề của ông cha truyền lại, bà Dâng lại hướng dẫn các con của mình cách làm, cách gói và cách luộc bánh chưng thế nào để bánh chưng luộc lên vẫn đảm bảo bên ngoài xanh, bên trong rền, thơm ngon, độc đáo.
Trong gia đình bà Dâng, từ con trai, con gái, con dâu, con rể, tất cả đều biết gói thứ bánh có sự tích Lang Liêu. Ngày thường nhà bà chỉ cần bà Dâng và cô con dâu gói bánh chưng nhỏ và vừa để giao bán các chợ lân cận, nhưng ngày tết thì bà Dâng phải huy động cả gia đình, thậm chí phải thuê thêm cả người ngoài để gói bánh to theo đơn của khách đặt biếu dịp tết.
Theo kinh nghiệm của bà Dâng và các hộ dân gói bánh chưng tại đây, để có một chiếc bánh chưng như ý, người làm bánh chưng phải biết gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nhân bánh và gạo được chia với tỉ lệ đều nhau.
Bà Phạm Thị Thơ người cùng thôn Bấc 2 chia sẻ với phóng viên, gói bánh chưng không hề khó nhưng lại là cả một nghệ thuật của người làm thủ công như người làng Bấc. Để hoàn thiện một chiếc bánh người gói chỉ cần một vài phút, gói nhanh không cần khuôn nhưng vẫn bảo đảm lớp gạo, đỗ trên và dưới bằng nhau.
Nguyên liệu lá dong, lá chuối hột dùng để gói bánh chưng cũng phải được chọn lựa kỹ lưỡng, bảo đảm lá bánh tẻ, không quá già, không quá non, không úa, rách để bánh chưng luộc lên có màu xanh đẹp. Tuyển lá xong, đem về rọc nhỏ rồi lau sạch, để bánh chưng không bị nhanh mốc.
Muốn bánh chưng có vị ngậy và thơm, gia đình bà Thơ thường chọn loại đậu hạt nhỏ, để nguyên vỏ, ngâm kỹ trước khi đồ, có vậy nhân bánh mới bở, tơi xốp. Thịt ba chỉ lợn thái ướp gia vị, hạt tiêu, thảo quả…khi gói xếp thịt vào giữa bánh, bên ngoài một lớp gạo rồi mới gói lá vào.
Trước kia, bánh chưng thường được luộc bằng bếp củi, còn giờ đây, cùng với xu thế phát triển của thời đại, bánh được luộc bằng bếp điện từ 8 – 10 tiếng. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn còn lại, người làm nghề gói bánh chưng ở xã Thủy Đường vẫn theo truyền thống.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Bà Trần Thị Liễu, thôn Bấc 2 cũng cho rằng, lãi suất từ công việc làm bánh chưng là không cao nhưng được cái ổn định. Công việc lúc nào cũng phải cần sự kiên nhẫn, duy trì thói quen thức khuya dậy sớm, chịu được sự vất vả vào dịp cuối năm khi các đơn hàng cận kề tết.
Ngày thường, gia đình bà Liễu và các cơ sở trong làng đều gói bánh nhỏ theo đủ kích cỡ với đủ các mức giá từ 10 nghìn đồng đến 20 – 30 nghìn đồng/ chiếc. Còn vào dịp Tết Nguyên đán sẽ không làm bánh chợ mà tập trung vào các đơn khách đặt, phục vụ nhu cầu thị trường và người thân với giá từ 80 nghìn đồng -100 nghìn đồng/1 chiếc, cỡ to hơn.
Clip làm bánh trưng kiểu truyền thống ở thôn Bấc 2, xã Thuỷ Đường (huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng)
Mỗi dịp tết được tất bật với công việc gói bánh chưng các thành viên trong gia đình bà Liễu như vui vẻ, đầm ấm hơn.
Bà Liễu cho rằng nghề làm bánh chưng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp các gia đình thêm gắn kết, góp phần làm đẹp nét văn hoá dân tộc.
Bà Lê Thị Bích Hiển – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết, xã Thủy Đường lâu nay vốn đã nổi tiếng với khá nhiều nghề truyền thống, từ nghề xe chỉ, trồng rau, làm giá đỗ, làm bánh mì… nhưng nghề gói bánh chưng tại thôn Bấc 2 vẫn là thứ nghề gia truyền có tiếng ở xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
Những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến xuân về khi trở về quê hương thường đặt mua, mang đi để cùng với bà con kiều bào ở nước ngoài thưởng thức món bánh chưng ở đây và đang ngày một nhiều lên. Thương hiệu bánh chưng Thuỷ Đường được bán khắp các nơi trong và ngoài nước.
Bánh chưng Thủy Đường nổi tiếng gần xa không chỉ nhờ vào bàn tay khéo léo của những người thợ gói bánh mà còn là uy tín được gìn giữ từ bao đời. Trong những ngày Tết cổ truyền, không có gia đình Việt Nam nào lại thiếu vắng những chiếc bánh chưng xanh trên bàn thờ, trên mâm cúng ông bà, tổ tiên.
“Để giữ gìn văn hoá và sản phẩm tiêu biểu này, chính quyền địa phương xã Thuỷ Đường định hướng sẽ đưa bánh chưng vào là một trong những sản phẩm tham gia vào OCOP trong thời gian tới” bà Hiển nói.
Nguồn: https://danviet.vn/dac-san-hai-phong-ca-lang-goi-banh-chung-lang-lieu-thien-ha-an-mot-lai-muon-an-hai-20241228163817741.htm