Trong nhiều thế kỷ, văn hóa Nhật Bản coi rồng là biểu tượng của sự may mắn – đại diện cho sức khỏe tốt, sự thịnh vượng và là lá bùa chống lại cái ác. Trong lịch sử Nhật Bản, rồng cũng được tôn thờ vì có sức mạnh huyền thoại.
Vì thế mà từ lâu, trong một hình thức đặc biệt của tranh mực truyền thống Nhật Bản (sumi-e), loại hình nghệ thuật “One stroke dragon” – rồng 1 nét vẽ – đã ra đời. Với hình thức nghệ thuật này, nghệ sĩ tạo ra hình ảnh rồng chỉ bằng 1 nét vẽ, tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực rất công phu. Nhiều người Nhật khi ấy quan niệm rằng rồng 1 nét mang đến những mối quan hệ lâu dài.
Loại hình nghệ thuật này xuất hiện từ đầu những năm 1600, vào thời kỳ Edo của Nhật Bản. Văn hóa Edo trong lịch sử Nhật Bản tương ứng với thời kỳ cai trị của Tokugawa (1603 – 1867). Tokugawa Ieyasu, Tướng quân Tokugawa đầu tiên, đã chọn Edo (Tokyo ngày nay) làm thủ đô mới của Nhật. Edo trở thành một trong những thành phố lớn nhất vào thời đó và là nơi có nền văn hóa đô thị thịnh vượng.
Trong thời kỳ Edo, nhiều nghệ sĩ đã thành thạo nghệ thuật vẽ rồng 1 nét và loại tranh này có mặt ở khắp các đền chùa Nhật Bản. Hình thức tranh mực truyền thống của Nhật Bản sử dụng bút rửa và cọ mực, tương tự thư pháp. Trọng tâm của loại hình nghệ thuật này là vẻ đẹp của nét vẽ. Ngày nay, Nhật Bản chỉ còn một vài nghệ sĩ “One stroke dragon” được xem là bậc thầy. Keisuke Teshima – sinh năm 1975, tại Fukuoka – là một trong số đó.
Bị mê hoặc bởi hình tượng rồng từ lúc còn nhỏ, khi Keisuke tiếp xúc với chiêu thức tranh rồng 1 nét, anh lập tức bị cuốn hút. Thuở thiếu thời, Keisuke đã rèn luyện các kỹ thuật nghệ thuật Phật giáo truyền thống trước khi làm thợ thủ công phục hồi các ngôi chùa và bàn thờ Phật giáo ở Nhật Bản.
Khi khôi phục các đền chùa và bàn thờ, Keisuke có dịp tiếp cận phong cách “One stroke dragon” và lập tức mê mẩn, liền tự tìm hiểu về lịch sử cũng như tự học kỹ thuật này. Để vẽ tranh rồng 1 nét, anh bắt đầu bằng những nét nhỏ. Sau đó, anh vẽ vảy của thân rồng chỉ bằng 1 nét, di chuyển bàn tay với độ chính xác và sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc…
Với “One stroke dragon” của Keisuke, rồng được vẽ ngửa mặt lên trên tượng trưng cho sự kiêu hãnh và tham vọng. Trong khi đó, rồng hướng xuống dưới mang vẻ cầu nguyện, đóng vai trò như người bảo vệ.
Truyền thống, tinh thần của phong cách “One stroke dragon” được thể hiện bằng những lý tưởng đương đại trong mỗi bức tranh của Keisuke. Tất cả tranh rồng 1 nét của anh đều có điểm nhấn là ánh sáng và nước mưa – tượng trưng cho niềm tin rằng rồng, nhờ sức mạnh của ánh sáng, có sức mạnh để mang nước cho mùa màng bội thu.
Sự uy nghi của linh vật rồng từ nét vẽ duy nhất qua loại hình nghệ thuật “One stroke dragon” được cho là mang lại may mắn, tài lộc cho những ai sở hữu bức tranh. Thông thường, khách hàng sẽ đặt hàng với những con rồng tùy chỉnh. Sau đó, nghệ sĩ sẽ thêm các nhân vật được cá nhân hóa, gọi là “bonji”. Mỗi bonji tượng trưng cho phước lành và đức hạnh của một vị Phật hoặc Bồ Tát hay đại diện vị thần hiển linh nào đó liên quan nhu cầu của khách hàng.
Keisuke Teshima là một trong 4 nghệ sĩ trên thế giới hiện nay thành thạo kỹ thuật “One stroke dragon”. Bắt đầu nghiên cứu phong cách tranh rồng 1 nét từ năm 2011, đến năm 2014, anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Ginza – Tokyo với tư cách là họa sĩ “One stroke dragon”.
Sau khi tổ chức triển lãm cá nhân, Keisuke đã sang Mỹ. Anh vừa chia sẻ loại hình nghệ thuật truyền thống này vừa thể hiện tài năng của mình thông qua các cuộc triển lãm và biểu diễn tại 13 địa điểm trên nước Mỹ.
Hiện tại, Keisuke sống ở Kyoto – Nhật Bản, nơi anh có họa thất và phòng trưng bày riêng. Là một trong số ít bậc thầy vẽ rồng 1 nét còn lại ở Nhật, Keisuke đã khôi phục hơn 200 tác phẩm nghệ thuật tại các ngôi chùa Phật giáo. Những kiệt tác về rồng của anh đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ trên khắp thế giới.
Nguồn: https://nld.com.vn/dac-sac-tranh-rong-1-net-196240216095104369.htm