Theo đó, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội đặc biệt, thường niên của người dân huyện đảo Lý Sơn nhằm tri ân, tưởng niệm những hùng binh năm xưa đã vượt sóng gió, ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được các tộc họ tổ chức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức cúng lễ như lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền…
Câu ca dao “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa” vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay, cho thấy những hiểm nguy và rủi ro mà những hùng binh Hoàng Sa phải trải qua, phải đánh đổi để vâng mệnh Vua, vượt muôn trùng sóng dữ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Trần Đến (70 tuổi) ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, không chỉ người Lý Sơn mà còn có nhiều du khách khắp nơi cũng đi thuyền ra thăm huyện đảo, thăm Di tích quốc gia Đình làng An Vĩnh, thắp nén hương thơm và dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tỏ lòng thành kính với cha ông đã có công xác lập chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Ngãi cho biết: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức không phải chỉ ở đảo Lý Sơn, mà còn ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có những hùng bình đi Hoàng Sa, Trường Sa, thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, nghi thức lễ này rất đặc biệt và được gìn giữ, tổ chức qua nhiều đời”.
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên là hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển theo con đường mà các bậc tiền nhân ra đi hàng trăm năm trước.