Ngày 7/10, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thông tin, lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Ca Dong đã được tổ chức tại huyện Hiệp Đức với đầy đủ nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đây là hoạt động triển khai thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch số 44/KHSVHTTDL ngày 02/4/2024 của Sở VHTT&DL về việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024 nhằm khôi phục, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong.
Theo phong tục của người Ca Dong, khi mọi việc nương rẫy đã kết thúc, lúa đã được tuốt xong thì bà con đồng bào Ca Dong tổ chức lễ mừng lúa mới với ý nghĩa cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc và cầu bình an cho dân làng.
Lễ hội được phục dựng theo các nghi thức, phong tục truyền thống của đồng bào Ca Dong ở Phước Gia, huyện Hiệp Đức với các nghi thức chính của lễ như, cúng xin thần linh, hồn lúa; gọi thần lúa, tạ ơn thần lúa, rước hồn lúa… do những già làng uy tín được cộng đồng tiến cử thực hiện.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất trong chu kỳ phát triển của lúa rẫy từ khi chuẩn bị vào mùa vụ cho đến khi thu hoạch cũng được phục dựng chu đáo như, phát rẫy, tỉa lúa, làm cỏ, chăm bón, suốt lúa… Sau nghi thức cúng thần lúa, từng nhịp cồng chiêng rộn ràng hòa quyện cùng vũ điệu múa nhịp nhàng của các già làng và các chàng trai, cô gái Ca Dong quanh cây nêu.
Ông Đinh Văn Linh – Trưởng thôn Hạ Sơn, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức chia sẻ “Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội truyền thống được hình thành từ lâu đời, gắn liền với sản xuất nông nghiệp của người Ca Dong nói chung và cộng đồng người Ca Dong ở xã Phước Gia nói riêng.
Phong tục này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn còn giữ nguyên bản sắc truyền thống. Lễ hội được tổ chức khi mùa màng đã thu hoạch xong và là dịp bà con báo cáo với thần linh, ông bà, tổ tiên rằng đã thu hoạch xong mùa vụ, và xin tạ ơn trời đất đã phù hộ cho bản làng, gia đình một năm mưa thuận, gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, bản làng no đủ. Đây cũng là dịp kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng…”.
Trong khuôn khổ phục dựng lễ hội, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, như giã gạo, gói bánh ốc, nấu cơm ống, chế biến món ăn… cũng đã thu hút đông đảo bà con và thanh niên tham gia. Qua đó thể hiện tinh thần thi đấu nhiệt tình, hào hứng tạo nên một sân chơi sôi nổi và vui tươi.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc phục dựng lễ hội mừng lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi ở Quảng Nam nói chung và cộng đồng người Ca Dong nói riêng.
Qua đó qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan toả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Việc phục dựng lễ hội mừng lúa mới với những nghi thức truyền thống là cơ sở khoa học để xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học; các nhà quản lý hoạch định chính sách về bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Nguồn: https://danviet.vn/dac-sac-le-hoi-mung-lua-moi-cua-nguoi-ca-dong-o-quang-nam-20241007094115388.htm