Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, từ ngàn đời nay, người dân Việt Nam có câu “Uống nước nhớ nguồn” để nhớ về cội nguồn, tổ tiên, thể hiện tình cảm thiêng liêng của người dân đất Việt: “Quốc Tổ ngàn năm vẫn nhớ/Quê hương muôn thuở không quên”.
Tương truyền, sau khi kết duyên với Mẫu mẹ Âu Cơ tại động Lăng Sương, 2 người cùng trở về núi Nghĩa Lĩnh. Đến ngày khai hoa, mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Khi các con khôn lớn, cha Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển, mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên núi; người con cả ở Phong Châu, nối ngôi vua lấy niên hiệu là Hùng Vương thứ nhất. Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con khi đến vùng đất Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thấy núi sông cảnh đẹp, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú… bèn chọn nơi này làm chốn dừng chân.
50 người xuống biển cùng cha đến đất Bảo Đà, nay là thôn Bình Đà (xã Bình Minh), cách biển không xa, thấy thế đất thiêng, đất đai màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều gò đất cao, mang dáng rồng chầu, hổ phục, truyền cho các con dừng chân, hạ trại chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp.
Ở đây, Đức Quốc Tổ đã dạy con, dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Chẳng bao lâu, cả vùng Bảo Đà được coi là đất quý trở nên trù phú, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên của người Việt cổ vùng châu thổ sông Hồng.
Vào một ngày cuối tháng 2 lịch trăng, Quốc tổ Lạc Long Quân hóa trong đêm. Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà đã hậu táng Quốc tổ tại khu Ba Gò. Trong cuốn: Cổ lôi ngọc phả Hùng Vương, lưu trữ tại Đền Hùng có ghi: Mộ Quốc tổ Lạc Long Quân táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng Thượng, bảo cựu, hậu cải Bảo Đà – nay là Bình Đà.
Người dân Bình Đà đã lập ngôi đình (đền) để thờ cúng với bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt). “Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với giá trị độc đáo của di tích đình Nội. Ngày 1/4/2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, bức Phù điêu (Bức giá tượng) độc bản được lưu giữ trong đình Nội được chạm nổi hình tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân cùng các lạc hầu, lạc tướng tái hiện sống động, cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương đã được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Nơi đây còn phát lộ trống đồng có niên đại cách đây 2.500 năm, tấm long sàng bằng đá được chế tác công phu, tương truyền là long sàng của Quốc tổ và Mẫu Âu Cơ”, ông Bùi Văn Sáng thông tin.
Từ bao đời nay, người dân Thanh Oai cùng con, cháu thập phương luôn thành tâm dâng hương kính lễ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thành phố, sự thành tâm công đức của đồng bào và du khách cả nước, Khu di tích đình Nội tiếp tục được tu bổ, tôn tạo, quy hoạch mở rộng, xứng tầm là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và xây dựng hồ sơ đề nghị nâng cấp lên cấp quốc gia đặc biệt.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đã thành lệ, vào dịp lễ hội, đều có đoàn đại biểu Ban Quản lý di tích đền Hùng (Phú Thọ) về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của đình Nội về thờ với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Chương trình lễ hội chính thức diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 14/4 (tức từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Ba năm Giáp Thìn). Ngoài nghi thức tế lễ, rước kiệu, các dòng họ, thôn còn tổ chức dâng lễ tại đình Nội và đình Ngoại; lễ tế Thiên quan; lễ rước, thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc.
Sau Lễ khai mạc, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đánh trống chính thức khai hội Lễ hội Bình Đà năm 2024. Tiếp đó là màn nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú…
Cũng tại Lễ hội, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp các huyện khai trương tuyến du lịch “Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức” với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”.