Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” đã tái hiện một không gian nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa và con người Hà Tĩnh tiếp nối phát triển từ quá khứ đến hôm nay.
Chương trình nghệ thuật mở màn với tổ khúc dân ca ví, giặm “Rạng ngời đất học Trường Lưu”. Không gian diễn xướng tái hiện đậm nét văn hóa con người làng Trường Lưu xưa, nơi sinh ra các bậc danh nhân có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc.
Nổi bật trong đó là hình ảnh những sỹ tử làng Trường Lưu như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… luôn vượt lên hoàn cảnh, dùi mài kinh sử, tham dự các khoa thi đỗ đạt cao, làm quan cống hiến cho đất nước, làm rạng danh dòng họ, quê hương.
Trải qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử đất nước đã chứng minh: Hà Tĩnh là đất học, đất nhân văn, vùng địa linh nhân kiệt… Nơi đây đã nuôi dưỡng biết bao thi nhân hiền tài, làm sáng danh văn hóa, lịch sử quê hương qua bao thời đại….
Hà Tĩnh là nơi sông La soi bóng núi Hồng, nơi có những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người, mo cơm túi vải nhiều đời đỗ đại khoa. Những sâu lắng, thủy chung và nghĩa tình đó làm nên cốt cách của con người nơi đây. Trong ảnh: Ca sĩ sao mai – Quỳnh Anh với tiết mục “Hà Tĩnh quê mình”.
Về với Hà Tĩnh là về với ân tình ví, giặm, được đắm mình trong những tổ khúc dân xa sâu lắng tình đời, tình người sâu sắc. Nơi đây còn được biết đến với những làng khoa bảng, làng tiến sỹ, làng Trường Lưu có đến ba di sản vươn tầm thế giới: Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ…. Trong ảnh: Tiết mục “Phường vải đêm trăng”.
Vùng địa linh gắn với tên tuổi của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh với Bắc dư tập lãm, Phụng sứ Yên đài tổng ca, Hoàng Hoa sứ trình đồ; Nguyễn Huy Tự với Hoa Tiên truyện; Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký…
Lắng trong mạch nguồn ví, giặm, khán giả được sống trong không gian những đêm trăng hò hẹn, có o Uy, ả Sạ, có bao giai thoại về cậu ấm Chiêu Bảy từ Tiên Điền, vượt Truông ngàn Hống, theo chân dãy núi Hồng Lĩnh về “làng tiến sĩ” so tài cùng nhị nữ Trường Lưu: “Tiếc thay duyên Tấn phận Tần/Chưa quen đã lạ chưa gần đã xa/Về qua liếc mắt trông miền/Lời oanh, giọng ví chưa quên dằm ngồi”…
Hà Tĩnh nay đã nhộn nhịp bước sang trang mới, nhưng những câu dân ca ví, giặm mượt mà, êm ả, sóng sánh tình của mảnh đất Trường Lưu vẫn dùng dằng níu chân khách đường xa…
Trải qua bao lớp sóng của thời gian, mạch nguồn đó vẫn còn chảy mãi, ánh trăng phường vải năm nào vẫn cứ hò hẹn, vẫn cứ thương nhớ vơi rồi lại đầy của bao tình yêu đôi lứa… để rồi đi xa, ai cũng muốn quay về. Trong ảnh: Tiết mục “Hà Tĩnh ta tìm về” do các ca sĩ Thanh Tài – Thanh Quý biểu diễn.
Tiếp nối truyền thống cha ông, vốn là vùng đất hiếu học, anh hùng, con người Hà Tĩnh cần cù chịu khó vươn lên… Hà Tĩnh hôm nay đã và đang nỗ lực dựng xây đời mới. Trong ảnh: Tiết mục “Quê tôi ngày mới”.
Từ Bến Thủy đến đèo Ngang, Hà Tĩnh hôm nay đang bừng bừng sức sống mới, cùng vươn lên trong vòng tay bè bạn, hùng khí cha ông đã hun đúc, tiếp lửa, tạo khí thế và động lực để mảnh đất anh hùng, đất thi nhân cùng tung cánh vươn xa trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Chương trình nghệ thuật Lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 – 2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 – 2023), 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 – 2023) và đón Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng. Chỉ đạo nghệ thuật: Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Cẩm; kịch bản và lời bình: Nhạc sỹ Quốc Dũng; biên đạo múa: Nguyễn Thương – Hoài Thu. Chương trình có sự tham gia các ca sỹ: Quỳnh Anh, Thanh Tài, Thanh Quý và tập thể diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. |
Thiên Vỹ