VHO – Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm”, mở đầu chuỗi hoạt động Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản” nhân kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nằm trong chuỗi hoạt động Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”, tối 27.11, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh diễn ra chương trình cầu truyền hình “Đôi bờ Ví, Giặm” nhân dịp kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lương; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong. Chương trình có sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đại diện các CLB Dân ca Ví, Giặm tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo quần chúng nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó với cộng đồng người dân Nghệ An – Hà Tĩnh từ bao đời nay; phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc của người dân xứ Nghệ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, hình thành nên cốt cách, tâm hồn của các thế hệ người dân nơi đây; góp phần hun đúc nên những danh nhân, những tên tuổi lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận…. Đặc biệt, cũng từ chất liệu của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm âm nhạc đã ra đời, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được công chúng yêu thích, đón nhận.
Ngày 27.11.2014, tại Thủ đô Pari, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong 10 năm qua, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm…
Chương trình cầu truyền hình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” là hoạt động mở đầu Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (27.11.2014 – 27.11.2024).
Chương trình gồm các tiết mục trình diễn dân ca ví, giặm đa dạng, mang đậm chất trữ tình sâu lắng, xen lẫn các phóng sự ngắn, giao lưu trên sân khấu, được chia làm 3 phần: “Trầm tích xứ Nghệ”, “Hành trình di sản” và “Để mạch nguồn chảy mãi”. Nội dung phần 1 nói về truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nghệ – Tĩnh là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, từ ngàn xưa đã lắng đọng những trầm tích văn hóa, lịch sử đi cùng thời gian. Mạch nguồn Ví, Giặm được kết tinh từ trong lao động, sản xuất, từ quá trình đấu tranh với thiên nhiên, giặc dã, từ tình yêu, trí tuệ và sự tài hoa của chính người dân nơi đây. Ví, Giặm độc đáo bởi chính ngôn ngữ, diễn xướng; bởi các làn điệu gắn với nhịp sống của vùng quê nắng lắm, mưa nhiều nhưng đầy ý chí kiên cường; mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; lạc quan, da diết mà đầy sâu lắng, thiết tha…
Phần 2 nhấn mạnh, 10 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ví, Giặm ngày càng chứng minh sức sống mãnh liệt qua sự nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của các cấp, các ngành, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các câu lạc bộ dân ca. Câu Ví, Giặm ngày nay, không chỉ cất lên trên đồng ruộng, bờ tre, mái rạ, bay qua cánh võng trẻ thơ, mà thực sự đang âm thầm lan tỏa qua các mái nhà, trao truyền qua các thế hệ. Dân ca Ví, Giặm đã có mặt tại rất nhiều không gian, kết nối du lịch sinh thái, đưa câu hát không ngừng bay xa.
Phần 3 khẳng định, câu Ví, Giặm quê nhà giờ đây không chỉ là sản phẩm tinh thần vô giá, là đại sứ thu hút du lịch; là văn hóa độc đáo của xứ Nghệ mà Ví, Giặm đã vươn tầm thành tinh hoa nhân loại. Tự hào truyền thống của dải đất Hồng Lam, để hôm nay, nối “Đôi bờ Ví, Giặm” cũng là thêm một lần người xứ Nghệ thấm đượm hơn nghĩa tình tự ngàn xưa, để thêm động lực trên hành trình tương lai dài rộng, trong hành trình di sản.
Chương trình nghệ thuật có sự góp mặt của Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (Hà Tĩnh) và NSND Hồng Lựu, ca sĩ Hà Quỳnh Như (Nghệ An)… Chương trình đã mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật quy mô, hoành tráng, làm nổi bật thêm những nét tinh hoa của dân ca ví, giặm, góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đặc sắc của di sản trong đời sống đương đại.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/dac-sac-chuong-trinh-nghe-thuat-cau-truyen-hinh-doi-bo-vi-giam-113224.html