Guardian dẫn báo cáo của nhóm từ thiện Hành động chống Bạo lực Vũ trang (AOAV) cho biết, các lực lượng đặc nhiệm của Anh gồm Đặc nhiệm không quân (SAS) và một số đơn vị khác đã hoạt động bí mật ở nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới, các hoạt động này không hề được chính phủ Anh hay quân đội nước này đề cập.
Theo AOAV, số liệu họ thu thập được lấy mốc thời gian từ năm 2011 cho đến nay. Các đơn vị đặc nhiệm nhận yêu cầu từ Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh qua các thời kỳ liên tục được triển khai đến các khu vực có rủi ro cao trên khắp thế giới, trong khi đó các quốc gia này không có xung đột quân sự với London.
AOAV cho biết đặc nhiệm Anh đã hoạt động tích cực tại Syria từ năm 2012 khi giúp đã các nhóm phiến quân nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thậm chí đơn vị này còn tham gia các chiến dịch không kích của Anh vào năm 2013.
Tuy nhiên, đặc nhiệm Anh cũng hứng chịu thiệt hại khi hoạt động ở Syria khi một số thành viên SAS thiệt mạng trong hoạt động trên thực địa.
Guardian dẫn tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho biết, tính tới đầu năm nay, Anh đang triển khai 50 lính đặc nhiệm ở Ukraine dù London nhiều lần tuyên bố không tham gia cuộc xung đột này.
Báo cáo của AOAV cho biết thêm rằng chính phủ Anh biết về hoạt động của các đơn vị đặc nhiệm ở nước ngoài nhưng thiếu sự giám sát. Theo luật, các nhà lập pháp Anh phải bỏ phiếu thông qua việc ủng hộ London tham chiến thì khi đó lực lượng đặc nhiệm nước này mới được triển khai. Dù vậy Thủ tướng Anh vẫn có quyền triển khai các đơn vị đặc nhiệm mà không cần thông qua quốc hội.
Vào tháng 6/2015, ngay sau khi 38 người – trong đó có 30 người Anh bị sát hại bởi các phần tử khủng bố tại một khách sạn bên bờ biển ở Tunisia, có thông tin cho rằng SAS đã được cựu Thủ tướng Anh David Cameron trao “toàn quyền” bắt giữ hoặc tiêu diệt các thủ lĩnh các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông.
“Việc triển khai rộng rãi Lực lượng đặc biệt của Anh ở nhiều quốc gia trong thập kỷ qua đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tính minh bạch và giám sát dân chủ. Việc thiếu sự chấp thuận của quốc hội và đánh giá đầy đủ từ các sứ mệnh này là điều vô cùng đáng lo ngại”, Iain Overton, Giám đốc điều hành của AOAV cho biết.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2023, một cuộc điều tra công khai đã bắt đầu về các cáo buộc rằng SAS chịu trách nhiệm cho 54 vụ sát hại dân thường ở Afghanistan vào năm 2010 và 2011, thường là trong các cuộc đột kích ban đêm. Những người Afghanistan bị tách khỏi gia đình của mình và sát hại tại chỗ với lý do sản xuất và ủng hộ phiến quân.
Vào thời điểm đó, nghị sĩ Tory Ben Wallace, hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã ca ngợi nỗ lực quân sự có liên quan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chiến dịch có sự tham gia của các thành viên của trung đoàn lính dù, thủy quân lục chiến và không quân Anh nhưng không đề cập đến lực lượng đặc biệt.
Lực lượng đặc biệt Anh cũng thường xuyên tham gia giải cứu con tin, điển hình như vụ một nhóm biệt kích hải quân (SBS) đã cố gắng và thất bại trong việc giải cứu một người Anh và một người Italia bị một nhóm Hồi giáo bắt giữ ở Nigeria vào năm 2012. Một trường hợp khác là vào năm 2019 khi giải cứu một cặp vợ chồng người Anh bị giữ ở Philippines.
Lần triển khai duy nhất của đặc nhiệm Anh ở Nga được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông kể từ năm 2014, là khi các thành viên SAS đã “có mặt” để bảo vệ an ninh cho các vận động viên Anh tại Thế vận hội mùa đông ở Sochi.
Danh sách đầy đủ các quốc gia khác Anh triển khai đặc nhiệm đến còn có Algeria, Estonia, Pháp, Oman, Iraq, Kenya, Libya, Mali, Đảo Síp, Pakistan, Somalia và Yemen.
Hiện Bộ Quốc phòng Anh vẫn chưa đưa ra bình luận nào về báo cáo của AOAV.
Trà Khánh(Nguồn: The Guardian )
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo