Tin mới y tế ngày 9/8: Đã xử lý nhiều vi phạm nghiêm trọng về thực phẩm
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm, có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả đến cơ quan Công an.
Nhiều vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm
Về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm thời gian qua theo Bộ Y tế, cơ quan này đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng;
Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm. |
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.
Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả… đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.
Về xử lý hình sự, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, quy định xử lý hình sự khi gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm cho tội danh này trong trường hợp chết 3 người trở lên hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Mất cân bằng giới tính đang ở mức nghiêm trọng
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không rõ ràng và dường như dao động trong giới hạn của sự cân bằng tự nhiên (103 đến 107 bé trai/100 bé gái).
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2021: 112 bé trai/100 bé gái; năm 2022: 113,7 bé trai/100 bé gái; năm 2023: 113,6 bé trai/100 bé gái).
Theo Bộ Y tế, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động trực tiếp, gián tiếp, bao gồm tư tưởng nối dõi tông đường đã làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt…; Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.
Những nguyên nhân tác động gián tiếp nhưng mức tác động khá mạnh như: do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng phải có con trai nên đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi;
Do nhu cầu kinh tế, điều kiện lao động thủ công làm nhiều công việc nặng nhọc trong các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ,… đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai và con trai là trụ cột về kinh tế là sự bảo đảm bình yên cho cả gia đình; do gần 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già và trách nhiệm phụng dưỡng chủ yếu thuộc về con trai…
Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân về pháp luật chưa đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi chưa được đẩy mạnh. Việc hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái còn chưa tương xứng…
Để giảm thiểu tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất ngoài chính sách tuyên truyền, vận động, xóa bỏ định kiến giới, sẽ rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức.
Sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm; Quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng việc lạm dụng các công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh, trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế đánh giá, chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng gi
Kiểm tra chất lượng bệnh viện tại TP.HCM
Đoàn Kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 do TS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đánh giá chất lượng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
TS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết việc đánh giá và chứng nhận chất lượng nhằm mục đích duy trì và cải tiến chất lượng hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Cung cấp thông tin để người bệnh và các bên chi trả có thể lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và làm căn cứ để kiến nghị xử lý vi phạm và khen thưởng đối với kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng …
Cách đây 10 năm, Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã được các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng và trở thành mục tiêu để các bệnh viện phấn đấu. Trong đó, Bệnh viện ĐHYD Tp Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện và đã đạt được những thành tựu tự hào.
Báo cáo với đoàn công tác, PGS-TS.Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trong những năm qua, Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện như kim chỉ nam cho bệnh viện để dựa vào đó phấn đấu và cải thiện.
Trong đó, khám bệnh ngoại trú tăng 6,1%, điều trị nội trú tăng 7,6%, phẫu thuật tăng 10,4%, tiểu phẫu tăng 21%. Bệnh viện luôn tìm kiếm các kỹ thuật chuyên khoa sâu để tập trung đầu tư, phát triển.
Hằng năm các khoa đều triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó có những kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, nhiều kỹ thuật khó, xâm lấn tối thiểu, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới…
Năm 2023, Bệnh viện triển khai thêm 08 kỹ thuật mới được phân loại kỹ thuật đặc biệt và kỹ thuật loại 1 theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt, Bệnh viện còn được Bộ Y tế thẩm định và đồng ý cho phép triển chính thức kỹ thuật mới lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam là Phẫu thuật nội soi khâu phục hồi thành bụng có bóc tách cân cơ thành bụng trước điều trị thoát vị thành bụng lớn.
Trong năm 2023, Bệnh viện đã thực hiện 11 ca ghép thận, 6 ca ghép gan người lớn, 6 ca ghép gan trẻ em tại Bệnh viện và hỗ trợ ghép gan cho 2 trẻ em tại Bệnh viện khác.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã thẩm định và đánh giá Bệnh viện đáp ứng đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép tim. Đơn vị Đột quỵ đạt chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ của Tổ chức Đột quỵ Thế giới WSO .
Bên cạnh đó Bệnh viện còn là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến chất lượng hoạt động khám chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn và công tác quản trị như: triển khai phần mềm văn phòng điện tử – UMC Office (UMC óp-phít), phần mềm quản lý Dược, chức năng Đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên app UMC Care…;
Phát triển app UMC Home, Phần mềm Bệnh án điện tử EMR và tăng cường thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ đạt 51%, tăng 4% so với năm trước.
Đội ngũ kỹ sư Công nghệ thông tin và cán bộ của bệnh viện tự xây dựng và hoàn thiện 147 phần mềm và xây dựng bảng điều khiển kỹ thuật số (Dashboard) giúp quản lý số liệu bệnh viện vừa chi tiết, vừa tổng quan mọi mặt. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục đạt được nhiều kết quả
Đội ngũ y bác sỹ được đào tạo bài bản, chuyên sâu và giàu kinh nghiệm, Bệnh viện đã trang bị hệ thống máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại để có thể thực hiện được mọi kỹ thuật cấp cứu đột quỵ tiên tiến nhất trên thế giới, bao gồm phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị để có thể cấp cứu hiệu quả cho cả những người bệnh đột quỵ không may đến muộn, có thể tới 24 giờ sau khi khởi phát bệnh
Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp đón từ 7.000-8.000 bệnh nhân đến khám, tuy có diễn ra tình trạng quá tải lúc sáng sớm nhưng về cơ bản việc khám, chữa bệnh đều được giải quyết trong ngày. Việc quản lý và điều phối hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra thông suốt và đảm bảo an toàn.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-98-da-xu-ly-nhieu-vi-pham-nghiem-trong-ve-thuc-pham-d222001.html